Đảng - Đoàn thể
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (Luật số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có 16 Chương, 171 Điều, quy định về về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đối tượng áp dụng gồm: cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 và thay thế Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 39/2019/QH14 và Luật số 61/2020/QH14. Riêng, Khoản 3 Điều 29 Quy định về Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và được áp dụng đối với các dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, đây là một nội dung quan trọng được bổ sung, thay thế so với Luật Bảo vệ môi trường 2014 (Luật Bảo vệ môi trường 2014 yêu cầu phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư), đã tháo gỡ những khó khăn, bất cập và góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư đối với các dự án nên trên.