Thông tin về đầu tư

Xây dựng đảng về đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày đăng 19/05/2021 | 09:36  | View count: 44082

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hộ XIII và đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 30 năm thược hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; định hướng phát triển và phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời gian tới. Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ tới, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Công tác xây dựng Đảng hiện nay bao gồm các nội dung chủ yếu: chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là nội dung mới, có nội hàm rộng, là sự thể hiện của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Đánh giá công tác xây dựng Đảng về đạo đức nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương nhận định: công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Trung ưương và các cấp ủy, tổ chức đảng đề cao, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có chuyển biến tích cực. Được tập trung trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chưa nêu cao ý thức và trách nhiệm trước nhân dân. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn thụ động, hiệu quả thấp.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, Đại hội XIII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ tới; trong đó, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nội dung công tác xây dựng Đảng về đạo đức thể hiện ở các khía cạch sau đây:

Một là, kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp uỷ cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. 

Hai là, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên "tự soi", "tự sửa" và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống.

Ba là, thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. 

Bốn là, kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải tự giác thực hiện ba nguyên tắc cơ bản trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt, trong đó, có sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên... Đây thực sự là phương thức giáo dục đạo đức phổ biến và hiệu quả nhất. Đặc biệt, đảng viên phải làm gương trước quần chúng, trong công tác, trong sinh hoạt, ở nơi làm việc, ở nơi cư trú.

Hai là, xây đi đôi với chống. Xây dựng đạo đức phải được tiến hành bằng giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, trong tập thể và toàn xã hội. Trong đấu tranh, phải chống lại cái tiêu cực, lạc hậu của bản thân, của những người xung quanh, của xã hội, mà trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân; không chống được cái hạn chế, cái tiêu cực của bản thân thì không thể chống cái lạc hậu, trì trệ của người khác. Xây và chống có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ nhau.

Ba là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Bởi trên thực tế, mỗi người ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình; vì vậy, nhìn thẳng vào con người mình, thấy rõ cái hay, cái tốt để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu để khắc phục.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc. Xây dựng Đảng về đạo đức là trách nhiệm của toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.