Chuyển đổi số

Khảo sát đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân
Ngày đăng 12/07/2024 | 14:00  | View count: 12

Khảo sát đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với sự phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính và thực thi công vụ của công chức, viên chức thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp giai đoạn 2024 - 2026

Ngày 11/7/2024 Ban Quản lý các khu công nghiệp ban hành Kế hoạch 666/KH-BQLKCN khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ thực thi công vụ giai đoạn 2024 - 2026

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Nhằm đánh giá khách quan chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và thực thi công vụ của công chức. Thông qua đó, nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của mình, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.

- Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của Lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Ban và công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

- Nâng cao nhận thức, văn hóa công sở, đạo đức công vụ lấy người dân làm trung tâm trong đội ngũ công chức, viên chức của Ban.

- Tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và giám sát đối với hoạt động quản lý nhà nước của Ban Quản lý các khu công nghiệp.

2. Yêu cầu

- Phương pháp bảo đảm khoa học, hiện đại, khả thi, dễ áp dụng, phù hợp với thực tiễn.

- Nội dung, các yếu tố, tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của Ban Quản lý các khu công nghiệp phải cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của cải cách hành chính nhà nước, quy định của pháp luật hiện hành; cho phép điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của cải cách hành chính nhà nước, bối cảnh thực tiễn ở từng thời điểm cụ thể.

II. NỘI DUNG

1. Đo lường nhận định, đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của Ban Quản lý các khu công nghiệp

Bao gồm các tiêu chí:

- Mức độ quan tâm theo dõi của người dân đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Kênh thông tin mà người dân sử dụng để theo dõi các các lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Mức độ phù hợp của các hình thức tiếp cận thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với người dân.

- Mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý kiến về các lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Cảm nhận của người dân về tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

- Mức độ phù hợp của các hình thức nộp hồ sơ, nhận kết quả phù hợp đối với người dân.

- Sự trải nghiệm của người dân về chính sách công, dịch vụ hành chính công, dịch vụ công cơ bản, thiết yếu.

2. Đo lường nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ

Bao gồm các tiêu chí:

- Nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân.

- Tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với người dân.

- Mở rộng các cơ hội tham gia giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân.

- Nâng cao năng lực của công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân.

- Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức, viên chức đối với người dân trong giải quyết công việc cho người dân.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết công việc cho người dân.

- Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

- Nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân.

3. Thu thập thông tin

3.1. Đối tượng khảo sát

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

3.2. Phiếu khảo sát

Phiếu khảo sát được thiết kế sẵn, đảm bảo dễ đọc, dễ trả lời đối với mọi người dân và không yêu cầu người dân cung cấp thông tin danh tính.

3.3. Thực hiện khảo sát

Tùy điều kiện từng năm, có thể lựa chọn hình thức khảo sát phù hợp trong số các hình thức sau:

+ Phát phiếu khảo sát trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân;

+ Phát phiếu khảo sát qua đường bưu điện;

+ Khảo sát trực tuyến trên Trang thông tin điện tử hoặc các nền tảng xã hội.

3.4. Thời gian khảo sát

Thời gian thực hiện khảo sát: Từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm.

4. Báo cáo kết quả

- Báo cáo, thông tin kịp thời cho UBND tỉnh thông qua Sở Nội vụ về kết quả đo lường sự hài lòng của người dân hằng năm; theo dõi, đánh giá, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc các cơ quan liên quan sử dụng kết quả đo lường sự hài lòng của người dân.

- Trên cơ sở kết quả xem xét, so sánh, đánh giá các chỉ số để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân.

- Cung cấp thông tin, tổ chức thực hiện các hoạt động để đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là những người liên quan trực tiếp đến việc xây dựng cơ chế, chính sách và cung ứng dịch vụ công, có nhận thức, tư duy, hành động thực thi nhiệm vụ theo hướng lấy người dân làm trung tâm phục vụ, mang lại sự hài lòng cho người dân.

- Theo dõi, đánh giá, báo cáo cơ quan thẩm quyền để chỉ đạo, xử lý, khen thưởng các cơ quan liên quan về kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

- Thông tin, tuyên truyền kịp thời về việc triển khai đo lường sự hài lòng, kết quả đo lường sự hài lòng tới toàn thể người dân, xã hội; về chương trình, kế hoạch hành động khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình đó.

5. Thời gian hoàn thành

Hoàn thành việc khảo sát và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 31/10 hằng năm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp kết quả gửi về Văn phòng trước ngày 15 tháng 10 hàng năm để tham mưu thực hiện chế độ báo cáo cơ quan chức năng theo quy định.

BBT