Thông tin về đầu tư

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực lưu trữ
Ngày đăng 05/01/2024 | 08:56  | View count: 1890

Lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, xây dựng và triển khai Chính phủ số, xã hội số, phát triển kinh tế số.

Ngày 29/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Hội ngành toàn quốc, các tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) trực thuộc để hoàn thiện dự thảo luật.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác lưu trữ. Năm 2011, Quốc hội đã ban hành Luật Lưu trữ (thay thế Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia năm 2001).

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Lưu trữ hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tăng cường ứng dụng thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ), đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Do vậy, Chính phủ đã đề nghị và được Quốc hội đồng ý đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Tháng 10 vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024).

Ông Cao Minh Kiểm, Tổng thư ký Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, lưu trữ là hoạt động lưu giữ lâu dài tài liệu nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Việc ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện Luật Lưu trữ hiện hành là hết sức cần thiết.

Theo ông Cao Minh Kiểm, ngày nay tài liệu số được hình thành ngày càng nhiều. Hầu hết các tài liệu trên giấy đều được tạo lập ban đầu từ tài liệu số (có thể coi tài liệu số là bản gốc tài liệu). Do đó "Tài liệu số" là một khái niệm quan trọng. Vì thế nên chăng dự thảo Luật tách định nghĩa "Tài liệu số" thành một khoản mục riêng biệt (mà không nên coi nó là một phần trong định nghĩa "Tài liệu điện tử"). Việc tách thành 2 mục riêng cũng phù hợp với Luật Giao dịch điện tử 2023.

Về chương Lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, đây là một chương hoàn toàn mới, chưa đề cập trong Luật Lưu trữ 2011. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, xây dựng và triển khai chính phủ số, xã hội số, phát triển kinh tế số…

Dự thảo đã có những nội dung liên quan đến số hóa tài liệu lưu trữ, "giấy hóa" tài liệu lưu trữ số; thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị. Tuy nhiên, Dự thảo còn thiếu có những quy định điều chỉnh về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu số như: Chỉnh lý, xác định giá trị, thống kê, quản lý tài liệu lưu trữ số. 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đinh Thế Vinh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy các hoạt động tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ; khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; bảo hiểm tài liệu lưu trữ đều cho tư nhân tham gia, miễn đáp ứng đủ các điều kiện, quy định mà cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra.

Do đó, để đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, và bắt kịp được xu thế phát triển của thời đại về hoạt động lưu trữ, dự thảo Luật lần này cần bổ sung các hoạt động dịch vụ lưu trữ như: Tư vấn hoạt động lưu trữ, chuyển giao công nghệ lưu trữ, tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ; bảo hiểm tài liệu lưu trữ.

Ông Đinh Thế Vinh cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại một số điều khoản quy định về điều kiện kinh doanh các hoạt động dịch vụ lưu trữ mà có thể dễ phát sinh thêm "giấy phép con"; tách bạch giữa hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ…

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tân, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị cần quy định rõ ràng chủ thể có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ ngay tại Dự thảo Luật nhằm thống nhất áp dụng.

Ngoài ra, việc không quy định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của Ủy ban nhân dân cấp huyện cần cân nhắc thêm vì đây là một cấp quản lý nhà nước theo hệ thống ngành dọc.

Còn ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, bên cạnh chú trọng xây dựng nền lưu trữ số Việt Nam hiện đại, cũng cần quan tâm đến lưu trữ truyền thống (bằng tài liệu giấy, các vật mang tin khác) có từ hàng vài trăm năm nay.

Theo chinhphu.vn