Thông tin về đầu tư

Doanh nghiệp phải tiên phong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để bảo vệ môi trường
Ngày đăng 05/06/2023 | 10:55  | View count: 47572

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là yếu tố “sống còn” của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hướng tới một mục tiêu rất quan trọng đó là phát triển bền vững.

Ngày 2/6, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp phối hợp với Ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Diễn đàn Phát triển Kinh tế năm 2023 với chủ đề "Đổi mới công nghệ, Chuyển đổi số, Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường". Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA nhấn mạnh, trong thời gian qua, trước nhiều biến động phức tạp, khó lường trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời, nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, duy trì tỉ giá, lãi suất hợp lý…

Theo đó, cơ bản đã tạo được sự ổn định so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực; giảm đáng kể áp lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Dự báo ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ vẫn còn kéo dài; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia có khả năng trở thành vấn đề dai dẳng; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn...

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); vấn đề thuế carbon, công cụ kiểm chứng carbon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới... đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Trong bối cảnh đó, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" của các doanh nghiệp; là rất cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hướng tới một mục tiêu rất quan trọng đó là phát triển bền vững", ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp phải thực sự tiên phong 

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận để thúc đẩy các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhằm đổi mới công nghệ, quan tâm và thực hiện có hiệu quả chuyển đối số trong doanh nghiệp, đồng thời cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển bền vững đất nước.

TS. Lê Công Lương, Trưởng Ban Khoa học, công nghệ và Môi trường (VUSTA) cho rằng, để hài hòa được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội là không dễ dàng. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận nên đầu tư công nghệ thấp, ít chú ý đến vấn đề xử lý môi trường, thậm chí có hệ thống xử lý cũng không vận hành, dẫn đến nhiều trường hợp xả thải chui, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Theo ông Lê Công Lương, cần có sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và mỗi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Bởi nếu không chú ý đến môi trường, cho dù tăng trưởng bao nhiêu thì hậu quả của sự tàn phá môi trường để lại có chi phí khắc phục thậm chí còn tốn kém hơn.

Bên cạnh công tác tuyên truyền về pháp luật, tăng cường giám sát, xử phạt vi phạm về môi trường, các doanh nghiệp phải thực sự tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, cần loại bỏ những công nghệ lạc hậu, gây hậu quả về môi trường, sức khỏe.

Theo ông Đỗ Ngọc Minh, chuyên gia công nghệ, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số với những trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Để xây dựng những trụ cột đó, các công nghệ dẫn dắt như: AI, Blockchain, Big Data, IoT… được ưu tiên phát triển. Một công nghệ khi bắt đầu hình thành và phát triển luôn cần bảo đảm yếu tố hướng đến người dùng, sự thuận tiện, thân thiện môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận, biểu trưng cho các đơn vị doanh nghiệp đạt tiêu chí tại các hạng mục: Top Doanh nghiệp tiên phong đổi mới công nghệ - Bảo vệ tài nguyên và môi trường; Top Sản phẩm thân thiện với môi trường; Thương hiệu - Nhãn hiệu uy tín, Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2023. 

Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung; khuyến khích áp dụng KHCN để cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm môi trường xanh bền vững cho doanh nghiệp nói riêng. Đồng thời quảng bá hình ảnh, góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp và thương hiệu của sản phẩm tới gần hơn người tiêu dùng cả nước.

Theo chinhphu.vn