Thông tin về đầu tư
Cổng TTĐT Chính phủ và Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ.
Tại Chương IV, dự thảo quy định KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH gồm 4 Điều (từ Điều 19 đến Điều 22) gồm các nội dung: Thực hiện chức trách, nhiệm vụ (Điều 19); Sử dụng thời giờ làm việc (Điều 20); Quy định họp, hội nghị (Điều 21); Xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ (Điều 22).
Cán bộ, công chức, viên chức không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi
Điều 19 quy định về "Thực hiện chức trách, nhiệm vụ" như sau: Tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền.
Chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp xử lý các nội dung có liên quan; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.
Không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến công dân và tổ chức.
Cán bộ, công chức, viên chức không quảng cáo, tiếp thị, bán hàng tại nơi làm việc
Điều 20 về "Sử dụng thời giờ làm việc": Nghiêm túc tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc; không đến muộn hoặc về sớm không có lý do chính đáng; không tự ý nghỉ việc không phép, nghỉ trong giờ làm việc; khi cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ vì lý do đột xuất phải xin phép và được sự đồng ý của lãnh đạo trực tiếp.
Không làm việc riêng và tham gia các hoạt động khác không liên quan đến công việc trong giờ làm việc.
Không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc.
Người chủ trì cuộc họp phải kết luận cụ thể, rõ ràng và giao trách nhiệm cụ thể
Điều 21, "Quy định họp, hội nghị" như sau:
Đối với người chủ trì cuộc họp: Căn cứ nội dung, quy mô, điều kiện công nghệ, tùy theo tính chất và nội dung của cuộc họp, hội nghị người chủ trì quyết định hình thức họp, hội nghị; Đến trước giờ họp ít nhất 05 phút; Chú ý lắng nghe, tăng cường đối thoại với người họp, hạn chế cắt ngang người đang phát biểu;
Kết luận cụ thể, rõ ràng và giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, đơn vị để triển khai thực hiện, kèm theo thời hạn thực hiện (nếu có).
Cán bộ, công chức, viên chức không thể hiện thái độ tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng trong cuộc họp
Đối với cán bộ, công chức, viên chức tham dự cuộc họp: Đến đúng giờ và đúng thành phần dự họp theo giấy mời. Trường hợp không tham dự được, phải trực tiếp báo cáo với người có thẩm quyền về lý do vắng mặt và cử người khác dự họp thay;
Chuẩn bị tốt nội dung tham gia tại cuộc họp, hội nghị, cần mang theo sổ, bút và tài liệu, thiết bị khác để ghi chép;
Giữ trật tự, không ồn ào; điện thoại để chế độ im lặng và không làm việc riêng trong cuộc họp; không ngắt lời, lắng nghe diễn giả và ghi chép đầy đủ các nội dung cuộc họp, hội nghị;
Đăng ký hoặc ra tín hiệu trước khi phát biểu; khi phát biểu, đặt câu hỏi cần ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề;
Tuân thủ đúng quy tắc điều hành của người chủ trì cuộc họp và tham dự từ khi bắt đầu cuộc họp đến khi kết thúc cuộc họp; tôn trọng ý kiến của người khác, không thể hiện thái độ tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng trong cuộc họp.
Tùy theo mức độ vi phạm cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 22 quy định về "Xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ" như sau: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các nội dung của Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Các bộ ngành, địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức hằng năm về Bộ Nội vụ trước ngày 31/1
Chương V, ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH gồm 3 Điều (từ Điều 23 đến Điều 25) gồm: Chế độ báo cáo kết quả thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 23); Trách nhiệm ban hành Quy tắc Đạo đức công vụ tại cơ quan, địa phương (Điều 24); Áp dụng quy định của Nghị định này đối với các đối tượng khác (Điều 25).
Theo đó, Điều 23, quy định "Chế độ báo cáo kết quả thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức" như sau: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức hằng năm về Bộ Nội vụ trước ngày 31 tháng 01 của năm sau liền kề hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức gửi cơ quan có thẩm quyền.
Điều 24, quy định "Trách nhiệm ban hành Quy tắc Đạo đức công vụ tại cơ quan, địa phương" như sau: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Quy tắc Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 25, quy định về "Áp dụng quy định của Nghị định này đối với các đối tượng khác" như sau: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được áp dụng các quy định của Nghị định này.
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn