Chỉ đạo điều hành

Chuỗi các hoạt động nhân Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông năm 2022 và Kết quả 01 năm thực hiện chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 01/11/2022 | 09:17  | View count: 55123

Nhằm tiếp tục hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia – 10/10, đồng thời, thực hiện Quyết định số 762/QĐ-UBND, ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc lấy ngày 01 tháng 11 hàng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông.

1. Mục đích, ý nghĩa

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

- Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

2. Chuỗi các sự kiện:

- Từ ngày 01/10 – 15/11/2022: Các tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm dịch vụ số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử…

- Từ ngày 01/10/2022 đến ngày 10/11/2022: UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia; Tháng tiêu dùng số; Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông.

- Từ ngày 01/10/2022 đến ngày 15/11/2022: Các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số do doanh nghiệp cung cấp; tổ chức gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giải pháp về chuyển đổi số trong các lĩnh vực...

- Ngày 31/10/2022: Tổ chức Diễn tập thực chiến an toàn thông tin, ứng cứu sự cố năm 2022 tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông.

- Ngày 11/11/2022: Tổ chức Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông năm 2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông.

+ Buổi sáng: Hội nghị đánh giá 01 năm thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tỉnh Đắk Nông; tham luận kết quả 01 năm thí điểm triển khai Chuyển đổi số cấp huyện; hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; Khai trương Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Đắk Nông.

+ Buổi chiều: Triển lãm các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số và Hội thảo với chủ đề " Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn "

3. Một số kết quả sau 01 năm triển khai công tác chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông

a) Về nhận thức số: Đã kiện toàn và ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cấp tỉnh; quyết định lấy ngày 01/11 hàng năm làm Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông và phát động các hoạt động hưởng ứng nhân ngày này; các cơ quan báo chí, Cổng TTĐT tỉnh đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số; các sở, ban, ngành, địa phương cũng triển khai tuyên truyền về chuyển đổi số thông qua trang TTĐT, kênh Zalo OA, các fanpage; hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở…

b) Về thể chế số: Tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 05 năm tại Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh và kế hoạch năm 2022 tại Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh; 27/27 cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong năm 2022; thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cấp Sở, ngành, địa phương.

c) Về hạ tầng số: 71/71 xã, phường, thị trấn đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; 98% trung tâm các thôn, buôn, bon đã được phủ sóng 4G; Tỷ lệ người dân sử dụng Internet: 73,08%; Tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh: 88,74%; Thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ) sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/100 dân: 106,6%; 100% cơ sở giáo dục đã kết nối Internet băng thông rộng; Thuê bao BRDĐ/100 dân: đạt tỷ lệ 75,12 %. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 06/10 vùng lõm sóng, thôn lõm sóng. Tốc độ truy cập mạng băng rộng tính trung bình khoảng 400 Mpbs đối với cá nhân và 500 Mpbs đối với doanh nghiệp.

d) Về nhân lực số: Đã hoàn thành việc thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, cụ thể: 71/71 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã , 713/713 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 4.078 thành viên là cán bộ Ban tự quản và hội đoàn thể các thôn, tổ dân phố. Đã tổ chức 05 lớp tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số cho khoảng 4.500 đại biểu là lãnh đạo của các lãnh đạo các Sở, ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Chủ tịch UBND; các tổ công nghệ cộng đồng các xã, phường, thị trấn... do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

e) Về an toàn, an ninh mạng: Đã triển khai kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho 20/27 Sở, ngành, UBND cấp huyện (đạt tỷ lệ 74%); triển khai Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) cho 15/15 máy chủ vật lý và 68/69 máy chủ ảo hóa tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và kết nối với hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia. 28% số máy tính trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được triển khai phần mềm phòng, chống mã độc.

f) Về chính quyền số:

Các hệ thống nền tảng , phát triển dữ liệu ứng dụng, dịch vụ : Tỉnh đã xây dựng Nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh (LGSP) và Kho dữ liệu dùng chung theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông phiên bản 2.0. đã kết nối với với Chính phủ, kết nốicơ sơ dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (phiên bản 5.0) : Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với 100% cơ quan Khối Chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã đển gửi nhận văn bản điện tử qua môi trường mạng và đã liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành (cụ thể: 19/19 Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; 08/08 UBND huyện, thành phố; 71/71 UBND các xã, phường, thị trấn, 352 các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc), tỷ lệ văn bản điện tử đạt 91,3%.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến : 08/08 huyện, thành phố; 17/19 Sở, ban, ngành (đạt tỷ lệ 89,4%) trên địa bàn tỉnh đã triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR-code. Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh cung cấp 423 dịch vụ công mức độ 3 và 653 dịch vụ công mức độ 4. Đã thực hiện kết nối thành công 436 thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Số lượng DVCTT phát sinh hồ sơ mức độ 3 là 120, đạt tỷ lệ 28,3%, mức độ 4 là 110, đạt tỷ lệ 16,8%. Số lương hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3 là 73.115, đạt tỷ lệ 67,6%, mức độ 4 là 26.254, đạt tỷ lệ 34%.

Việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: đã triển khai thực hiện 17/25 thủ tục hành chính thiết yếu trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của Bộ công an. Phục vụ công dân số: đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 13.969 trường hợp; trong đó hồ sơ cấp CCCD kèm định danh điện tử 10.995 trường hợp. Thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử đối với công dân đã có thẻ CCCD còn hiệu lực là 3.090 trường hợp.

Cơ sở dữ liệu về đoàn viên, thanh niên: Đã triển khai thu thập, số hóa dữ liệu 28.514/31.181 Đoàn viên thanh niên, tỷ lệ 91,53% (thuộc Top 10 tỉnh đã số hóa dữ liệu Đoàn viên thanh niên) phục vụ công tác quản lý Đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh.

g) Về kinh tế số: Trên địa bàn tỉnh có 03 doanh nghiệp công nghệ số lớn gồm VNPT, Viettel, Mobifone. Doanh thu về công nghiệp công nghệ thông tin lũy kế đến hết tháng 09/2022 ước tính đạt 1.607.294 triệu đồng. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP ước tính 6,64%, tăng 0,25% so với năm 2021 (Năm 2021 là 6,39%). Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử và tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%.

Đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.098 sản phẩm lên sàn 02 thương mại voso.vn và postmart.vn, trong đó có 47/47 sản phẩm OCOP và 1.051 sản phẩm nông nghiệp khác, tổng số giao dịch 17.993 lượt; Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 92,8%. Số hộ SXKD được đào tạo về kỹ năng số là 120.037 hộ, đạt tỷ lệ 72%. Có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động.

h) Về Xã hội số:

Tổng số hồ sơ khởi tạo có tài khoản Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK) từ Bảo hiểm xã hội tỉnh: 662.386 /664.416 đạt tỷ lệ 99,7%.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Toàn tỉnh ước có 80 ATM hoạt động (tăng 02 ATM so với đầu năm). Mạng lưới máy chấp nhận thẻ (POS) đang còn hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đến 31/12/2022 đạt 307 máy (tăng 42 máy so với đầu năm); số đơn vị trả lương qua tài khoản đến cuối năm 2022 ước đạt 1.051 đơn vị, trong đó có 869 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước; số thẻ được phát hành tại các NHTM đang còn hoạt động ước tính đến hết tháng 12/2022 khoảng 337.857 thẻ; số tài khoản thanh toán các NHTM đã mở cho khách hàng đang còn hoạt động khoảng 393.915 tài khoản. Năm 2022, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã triển khai rộng rãi sản phẩm TTKDTM bằng phương pháp quét mã QR code, ước đến 31/12/2022 có khoảng 1800 đơn vị chấp nhận thanh toán.

Hoạt động TTKDTM đối với dịch vụ công: 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nộp thuế điện tử; 90% tổng số thu ngân sách nhà nước được hạch toán bằng phương thức điện tử, các khoản chi NSNN qua ngân hàng ước đạt hơn 99%/tổng số chi NSNN tại KBNN tỉnh (100% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng được tiếp nhận và xử lý hoàn bằng phương thức điện tử); 100% cơ sở điện lực trên địa bàn chấp nhận TTKDTM, doanh thu tiền điện của Công ty điện lực Đắk Nông thanh toán qua phương thức điện tử ước đạt 72% tổng doanh thu của đơn vị.100% các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn chấp thuận thanh toán học phí qua ngân hàng; 5/10 NHTM thỏa thuận thành công với Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đăk Nông để thu tiền nước qua ngân hàng; 86%/ tổng số người thụ hưởng nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, bệnh viện: Có 03/9 (đạt tỷ lệ 30%) cơ sở khám chữa bệnh. Toàn tỉnh có 238/386 (đạt tỷ lệ 65%) cơ sở giáo dục, trường học triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Triển khai Địa chỉ số gắn với bản đồ số : Tổng số hộ gia đình có địa chỉ số là 174.249 hộ (đạt 100%.)

Hóa đơn điện tử (HĐĐT): 100% (2.773/2.773) doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT, Đắk Nông là một trong những địa phương về đích sớm nhất theo mục tiêu của Tổng Cục thuế.

4. Giới thiệu về Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Đắk Nông.

Một trong những sự kiện của ngày Chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông năm 2022 là việc Khai trương Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh, được thi công từ cuối tháng 08/2022 đến ngày 11/11/2022, Trung tâm sẽ chính thức được bấm nút đi vào vận hành.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Nông gồm 07 phân hệ được đặt tại tòa nhà văn phòng UBND tỉnh, và trung tâm CNTT-TT, Sở TT&TT tỉnh. Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Nông IOC là bộ não giúp điều hành giám sát tập trung toàn bộ các hoạt động của hệ thống chức năng đô thị thông minh. Thông qua IOC sẽ cho phép tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các tài sản, dịch vụ thông minh, qua đó giúp lãnh đạo các cấp của tỉnh có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do tỉnh cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trung tâm hỗ trợ công tác điều hành, cung cấp thông tin và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vụ việc, tình huống cần được giải quyết của tỉnh.

Trước mắt, Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ tổng quan đến chi tiết từng tình huống như:

+ Thống kê các số liệu, chỉ tiêu về tình hình kinh tế - xã hội,

+ Thống kê, giám sát thông tin ngành y tế;

+ Thống kê, giám sát thông tin ngành giáo dục;

+ Thực hiện giám sát lĩnh vực môi trường;

+ Thực hiện giám sát hành chính công;

+ Giám sát phản ánh hiện trường;

+ Giám sát về tình hình an ninh trật tự, hệ thống thực hiện camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp;

Việc xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh nhằm phục vụ cho sự hình thành đô thị thông minh tỉnh Đắk Nông tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

BTT