Chỉ đạo điều hành

Phát triển công nghiệp nông thôn gắn với vùng nguyên liệu
Ngày đăng 18/07/2022 | 14:17  | View count: 1819

Nhận thấy lợi thế về vùng nguyên liệu tại chỗ, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đang hình thành, phát triển sản xuất ổn định. Điều này, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.

Mạnh dạn đầu tư hạ tầng

Từ chỗ chỉ tập trung thu mua, tiềm lực mỏng, HTX Nông nghiệp Long Việt (Tuy Đức) đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến mắc ca thành sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Nhiều máy móc, thiết bị sản xuất mới được HTX mua sắm như: máy xay vỏ xanh, máy sấy, máy hút chân không, máy đóng gói, in mác... Đến nay, ngoài 115 ha mắc ca của các xã viên, HTX đang liên kết trồng, thu mua cho gần 150 ha của bà con trong vùng, với tổng sản lượng trên 100 tấn/năm.

HTX Nông nghiệp Long Việt (Tuy Đức) mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến giúp tiêu thụ nông sản tại chỗ cho bà con

Ngoài thị trường trong nước, HTX đang cung ứng sản phẩm mắc ca rang sấy sang Campuchia. Việc đặt nhà máy chế biến ngay trong vùng nguyên liệu mắc ca đã giúp bà con không phải bán nông sản qua bộ phận trung gian.

"Sản phẩm làm ra đã có thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nâng cao giá trị cho nông sản, trong đó có mắc ca, tại địa phương", bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX cho biết.

Sản phẩm mắc ca "Lê Anh Tuy Đức" của HTX Nông nghiệp Long Việt (Tuy Đức)

Mỗi năm, Cơ sở sầu riêng Thọ Minh, xã Đức Mạnh (Đắk Mil), thu mua, cấp đông và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần 3.000 tấn sầu riêng các loại.

Theo ông Nguyễn Xuân Thọ (chủ cơ sở), Đắk Mil được xem là vựa sầu riêng của Đắk Nông. Vì vậy, việc chế biến sản phẩm sầu riêng tươi tại chỗ sẽ giúp giải quyết tốt vấn đề đầu ra.

Hiện gia đình đã đầu tư 7 tỷ đồng để xây dựng 7 kho đông lạnh, với sức chứa khoảng 180 tấn sầu riêng tách vỏ. Toàn bộ sản phẩm được phục vụ thị trường xuất khẩu.

Nhờ đó, giá trị trái sầu riêng của bà con trong vùng tăng lên gấp 2 - 3 lần so với bán trái tươi như trước đây.

Sản xuất sầu riêng cấp đông tại Cơ sở sầu riêng Thọ Minh (Đắk Mil)

Sản xuất sầu riêng cấp đông tại Cơ sở sầu riêng Thọ Minh (Đắk Mil)

Hỗ trợ phát triển sản phẩm

Theo Sở Công thương, thời gian qua, việc xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn được lồng ghép cùng chương trình xúc tiến thương mại địa phương theo từng giai đoạn, từng năm.

Theo đó, các cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia, địa phương theo quy định.

Nhiều nội dung hỗ trợ đã được triển khai như: đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh, maketting, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến.

Các sản phẩm còn được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu… Từ đó, các sản phẩm từng bước tiếp cận khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 27 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ kinh phí khuyến công để phát triển sản phẩm. Các cơ sở cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Để thúc đẩy các cơ sở phát triển, ngành Công thương tiếp tục khuyến khích các cơ sở mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm mới, thay đổi bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng.

Ngành sẽ tranh thủ tối đa nguồn vốn khuyến công hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong điều kiện mới.

Đặc biệt, ngành Công thương sẽ gắn kết chế biến với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương.

Trong đó chú trọng thu hút phát triển công nghiệp chế biến tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, có tiềm năng để trở thành động lực tăng trưởng.

Theo báo Đắk Nông điện tử