Tình hình tiếp công dân và giải quyết đơn thư

Nâng cao hiệu quả chỉ số PCI
Ngày đăng 27/01/2021 | 08:57  | View count: 47097

Chỉ số PCI là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương cấp tỉnh, thành phố. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại một địa phương.
Ban Quản lý các khu công nghiệp luôn quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả đáng khích lệ cụ thể:

1. Giải pháp về chỉ đạo điều hành:
Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; về hỗ trợ doanh nghiệp; các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND.
Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng; gắn việc thực hiện cải cách hành chính với nhiệm vụ chuyên môn của từng cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng.
Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thời gian thực hiện, phù hợp với chuyên môn, năng lực sở trường của từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan; bố trí công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để tham gia giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đồng thời tổ chức đánh giá thẳng thắn, khách quan việc thực thi nhiệm vụ của từng công chức; xử lý nghiêm các trường hợp giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
2. Giải pháp về triển khai thực hiện:
Tiếp nhận, giải quyết 100% hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đúng và trước thời hạn theo quy định của pháp luật.
Thường xuyên rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; kịp thời rà soát, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính liên quan đến chủ trương đầu tư, thủ tục thụ hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn theo hướng gọn nhẹ, đơn giản và đảm bảo đúng quy định.
Thường xuyên rà soát, thống kê và tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản liên quan đến quản lý và phát triển khu công nghiệp. Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, phát triển khu công nghiệp; thường xuyên, kịp thời nghiên cứu, hướng dẫn, phổ biến đến các doanh nghiệp khu công nghiệp để tiếp cận và thực hiện cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan giới thiệu, hỗ trợ các công nghệ tiên tiến áp dụng trong sản xuất; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở dạy nghề và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề để cung ứng, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Cập nhật kịp thời, đầy đủ hồ sơ tiếp nhận trên phần mềm Một cửa điện tử theo đúng quy định; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp (bằng văn bản) trong trường hợp sai sót trong xử lý hoặc để hồ sơ quá hạn giải quyết, trong đó nêu rõ lý do và hẹn lại ngày trả kết quả.

Với những giải pháp cụ thể cùng sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao hiệu quả chỉ số PCI của tỉnh Đắk Nông.