Quy trình đầu tư vào khu công nghiệp

Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày đăng 20/07/2022 | 14:25  | View count: 1772

Để có thêm cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chuẩn bị trình thẩm định, ngày 19/7/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia về Dự thảo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương.

Tham dự Hội thảo có đại diện của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các viện nghiên cứu lập hợp phần của các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau quá trình phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và trên cơ sở các nội dung của Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo Báo cáo hiện đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và xin ý kiến rộng rãi.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch có tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao, đồng thời bao quát nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia đầy đủ của các ngành, lĩnh vực trong suốt quá trình lập quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn chuyên ngành lập hợp phần của các Bộ, ngành để thực hiện việc tích hợp các nội dung của các hợp phần vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời phát hiện, xử lý các chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột nảy sinh.

Nghị quyết 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội yêu cầu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022. Để Quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, đồng thời bảo đảm tiến độ kịp trình thẩm định quy hoạch trước khi trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các nội dung chủ yếu của báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhất là về tổ chức không gian phát triển đất nước, khung kết cấu hạ tầng quốc gia, định hướng phát triển và phân bố các ngành quan trọng, kết nối liên ngành để đạt hiệu quả tổng hợp cao nhất...

Hội thảo được nghe ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đơn vị tư vấn chính lập Quy hoạch tổng thể quốc gia trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo. Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ.

Theo Dự thảo, quan điểm phát triển là tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.

Phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.

Phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham gia ý kiến, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về không gian phát triển; quan điểm và bố trí không gian phát triển trong thời gian tới; mục tiêu, chỉ tiêu phát triển, đặc biệt là các chỉ tiêu để đến năm 2050 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh gắn với dự báo các tác động của bối cảnh thế giới và trong nước; xây dựng hành lang kinh tế; tổ chức không gian phát triển theo ngành và theo vùng; các vấn đề đô thị, nông thôn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, xác đáng và đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Quy hoạch này được xây dựng với mục tiêu phát triển là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Theo mpi.gov.vn