Quy trình đầu tư vào khu công nghiệp
Ngày 06/8/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 532/KH-UBND, Quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Với mục tiêu tổng quát: Tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Mục tiêu cụ thể
- Kiểm soát tốt các nguồn khí thải lớn, đến hết quý II năm 2022 đảm bảo 100% các nguồn thải (các cơ sở) thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục thực hiện đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục, truyền số liệu quan trắc môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại khu, cụm công nghiệp, khu đô thị tập trung đông dân cư.
- Triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại các nguồn thải chính (tập trung vào nguồn công nghiệp, giao thông và xây dựng).
- Tăng cường năng lực về kiểm soát khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
- Tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua việc thực hiện đầu tư, lắp đặt các Trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục theo đúng Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh để phục vụ thông tin đến cộng đồng; giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Các nhiệm vụ và giải pháp
1. Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025"; Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh về kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình phân phối xăng sinh học E5, E10 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Kế hoạch số 464/KH-UBND ngày 14/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2015" của Thủ tướng Chính phủ.
- Tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng, giao thông.
- Tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn; Khuyến khích đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải; Tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí; Khuyến khích tăng diện tích cây xanh trong khuôn viên, nhất là tại những vị trí gần khu vực phát sinh khí thải.
- Thẩm định chặt chẽ dự án đầu tư có phát thải khí thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường; chỉ chấp thuận đối với các dự án công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường, thân thiện với môi trường.
- Thực hiện việc kiểm kê khí thải công nghiệp (bao gồm cả việc kiểm kê bụi PM10 và PM2.5); lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục cho các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn theo quy định.
- Đầu tư, lắp đặt và vận hành có hiệu quả hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất theo quy định tới Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục theo mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1425/QĐ-UBND ngày 07/9/2018.
- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các nguồn khí thải tại khu vực nông thôn, ưu tiên kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chế biến mủ cao su và trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm.
2. Huy động tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí
- Ưu tiên nguồn vốn để tăng cường đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục, đến năm 2025 hoàn thiện theo mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh đã được phê duyệt.
- Tăng cường nguồn ngân sách tỉnh cho các hoạt động: lắp đặt các trạm quan trắc tự động liên tục; đầu tư trang thiết bị quan trắc; bảo đảm kinh phí duy trì vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường về khí thải, chất lượng không khí xung quanh.
- Huy động các nguồn lực đầu tư cho quản lý chất lượng môi trường không khí. Lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên liên quan về kiểm soát khí thải đã xác định tại Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Đắk Nông (phê duyệt tại Quyết định số 835/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông).
3. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giao thông vận tải.
- Tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
- Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.
4. Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng không khí
- Công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí xung quanh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tập huấn, phổ biến thường xuyên các kiến thức về quản lý chất lượng không khí, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí cho cán bộ quản lý môi trường các ngành, các cấp và các chủ cơ sở sản xuất.
- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí và lợi ích của việc sử dụng xăng sinh học, các phương tiện công cộng đối với môi trường không khí.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.