Lịch tiếp công dân

Dữ liệu là tài nguyên quốc gia trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam
Ngày đăng 11/08/2023 | 14:26  | View count: 3129

Giá trị của dữ liệu thể hiện ở việc biến nó thành thông tin, thành tri thức của đất nước, của nhân loại. Vậy nên, cần có công tác xây dựng cùng những chính sách quan tâm, đẩy mạnh phát triển dữ liệu.

Phát triển dữ liệu tạo nền tảng cho triển khai, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số...

Công tác xây dựng, thực thi chính sách

Thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, cho đến hết năm 2022 có 36 cơ quan ban hành danh mục CSDL (trong đó có 05/22 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); 14/63 tỉnh, thành phố ban hành quy chế khai thác, chia sẻ dữ liệu; 09 cơ quan ban hành kế hoạch mở dữ liệu (05/22 bộ, ngành và 04/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); các ngành, lĩnh vực tăng cường xây dựng quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ như kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư; CSDL quốc gia về tài chính; CSDL quốc gia về bảo hiểm; CSDL đất đai; CSDL cán bộ, công chức, viên chức; CSDL đăng ký doanh nghiêp,...

Kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia (NDXP)

NDXP là hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, phần cứng, phần mềm và hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ đóng vai trò phục vụ tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc khu vực tư (theo nhu cầu).

NDXP được thiết kế, xây dựng, phát triển để linh hoạt đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu theo mô hình kết nối tập trung và phân tán; hỗ trợ đồng thời trên cả mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Internet theo từng nhu cầu cụ thể trong phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp tham gia kết nối, khai thác sử dụng dữ liệu từ 08 CSDL, 14 hệ thống thông tin có quy mô toàn quốc. Tính đến hết ngày 31/12/2022 số lượt giao dịch là trên 876 triệu, tăng gấp 4,86 lần so với cả năm 2021; trung bình có khoảng 2,4 triệu giao dịch/ngày. Hiệu quả ban đầu mang lại rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

Đánh giá chung

Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đẩy mạnh phát triển dữ liệu cả xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo lập và khai thác sử dụng. Các dữ liệu nền tảng được xác định là dữ liệu ưu tiên đã được phát triển, hoàn thiện (CSDL quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai) và các dữ liệu phục vụ các ngành, lĩnh vực trụ cột của quốc gia như giáo dục và đào tạo, việc làm, an sinh xã hội, nông nghiệp, y tế,….

BTT