Đảng - Đoàn thể

Tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam
Ngày đăng 07/09/2022 | 14:08  | View count: 44645

Trước những diễn biến bất lợi từ đại dịch Covid-19, biến động khó lường của tình hình chính trị trên thế giới, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự phục hồi mạnh mẽ khi kinh tế vĩ mô giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng CPI 8 tháng năm 2022 tăng khoảng 2,6% so cùng kỳ năm trước; GDP đã tăng 7,72% trong quý II.

Công nhân Công ty TNHH STRONICS Việt Nam, khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) lắp ráp thiết bị điện tử.

Nhờ đó, các cân đối lớn được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phục hồi nhanh chóng. Nền kinh tế Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao với xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức "ổn định" và "tích cực".

Tuy nhiên, sức cạnh tranh, nguồn lực tài chính và tâm lý của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đột phá, nhằm khơi dậy tinh thần tự chủ của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và phát triển.

"Kháng thể" tự thân cho doanh nghiệp

Trong hơn 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng; gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp biết cách ứng phó và "sống sót" vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch.

Một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, đó chính là nền tảng hệ thống quản trị tốt. Khi sở hữu nền tảng tốt, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích về mặt tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường. Từ đó làm giảm chi phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Khu vực doanh nghiệp thời gian qua đã ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc sau những nỗ lực vượt khó, tinh thần đổi mới, thích ứng cùng hiệu quả của việc kiểm soát dịch bệnh, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Theo số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 8 tháng năm 2022, có hơn 153 nghìn doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường (tăng 32% so cùng kỳ năm 2021), hơn gấp đôi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 3,6 triệu tỷ đồng (tăng 36,1% so cùng kỳ năm 2021).

Đáng chú ý, có tới hơn 51 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 26% so cùng kỳ năm 2021), cao nhất trong vòng 6 năm qua. Một số ngành, lĩnh vực đã phục hồi 75%-85% so thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so cùng kỳ năm 2021, trong đó các ngành liên quan đến lĩnh vực như dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 51,7%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 50,8%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 43,6%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 37%),...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt nhiều thách thức khi thời gian gần đây, giá nguyên-nhiên-vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục "lập đỉnh" khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao, tạo thêm áp lực trong bối cảnh tiếp cận tín dụng đang rất khó khăn và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ đã xảy ra.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần có sự nhạy bén thích ứng thị trường, như vậy mới có thể phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Từ đó xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, biết chắt chiu từng cơ hội; có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới để xây dựng uy tín thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế. Đồng thời, phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại.

Quan tâm hơn tới đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường, cũng như có thêm nhiều giải pháp đột phá giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, với những biến động đang diễn ra trên thế giới, rất nhiều thách thức đang chờ các doanh nghiệp ở phía trước. Nếu không tự tạo ra cho mình một "kháng thể" tốt thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có đà bứt phá trong tương lai.

 

Nâng cao năng lực quản trị

Có thể thấy, để tạo động lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân thời gian tới, chúng ta phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp đủ lớn mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để vươn ra thế giới. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục lắng nghe, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả triển khai và đẩy nhanh khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ tới cộng đồng doanh nghiệp.

Phải coi doanh nghiệp là chủ thể để hợp tác, là "hạt nhân" của sự phát triển, chứ không chỉ là đối tượng để quản lý đơn thuần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hãy xem việc được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cũng chỉ là chất xúc tác, tạo đòn bẩy. Bởi bên cạnh sự sát cánh của Nhà nước, nếu các doanh nghiệp không có một nền tảng tốt thì sẽ khó tạo đà bứt phá trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Trọng tâm vẫn cần doanh nghiệp thể hiện năng lực tự lực, tự cường để chủ động thích ứng, ứng phó và biết nắm bắt thời cơ, vươn lên trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay. Dù ở tình huống nào, doanh nghiệp cũng phải ở tâm thế chủ động trên nền tảng sẵn có. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp phải thật sự minh bạch trong tài chính, cạnh tranh lành mạnh để tạo uy tín; biết chia sẻ, liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần phải nhanh nhạy tìm được các phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp lợi thế, tiềm năng, lĩnh vực và nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Duy Bình, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có sự chậm lại về số lượng. Theo đó, số doanh nghiệp đang thật sự hoạt động trong nền kinh tế hiện tăng từ 505 nghìn doanh nghiệp vào năm 2016 lên khoảng 684 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020. Số lượng tăng lên xấp xỉ 180 nghìn doanh nghiệp là khoảng cách khá xa so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập hằng năm ở mức 1,2 triệu - 1,3 triệu doanh nghiệp, điều này cũng cho thấy động lực tăng trưởng đang chậm lại.

Trong số doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm khoảng 660 nghìn doanh nghiệp, 1.900 doanh nghiệp nhà nước và 22 nghìn doanh nghiệp FDI. Con số này so với tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động ở các quốc gia trong khu vực ASEAN còn khá xa. Đồng thời, so với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 của Việt Nam vẫn là một khoảng cách rất lớn.

Do đó, chúng ta cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, tốc độ tăng trưởng cho doanh nghiệp đang hoạt động, để chất lượng doanh nghiệp thực chất hơn, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn, nâng cao khả năng chống chọi với thị trường hơn. Nhờ đó tận dụng được lợi thế quy mô doanh nghiệp, chứ không phải chỉ "chạy đua" theo con số tăng trưởng doanh nghiệp đăng ký hằng năm.

Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền các cấp cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi công quyền, có giải pháp cụ thể trong kiểm tra quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ. Đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cũng như sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để khuyến khích, tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Chỉ khi các giải pháp trên được thực hiện đồng thời, làm một cách thực chất, chắc chắn sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thích ứng trước thời cuộc, ngày càng phát triển lớn mạnh để thật sự trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước. Trong tâm thế đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ vững tin vượt qua mọi "con sóng" lớn, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định vị trí, vai trò và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo nhandan.vn