Tin tức các khu công nghiệp

Công ước số 98 lan tỏa ảnh hưởng tích cực
Ngày đăng 15/07/2021 | 14:10  | View count: 33637

Công ước số 98 được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua tại Hội nghị quốc tế lần thứ 32, năm 1949. Việt Nam trở thành Quốc gia thành viên thứ 167 của tổ chức Lao động Quốc tế phê chuẩn Công ước 98 vào ngày 05/7/2019. Công ước này có hiệu lực kể từ ngày 05/7/2020.
Công ước số 98 gồm 03 nội dung cơ bản sau:
1. Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn
 Công ước số 98 quy định người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử liên quan đến mọi khía cạnh việc làm của họ vì lý do tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hợp pháp.
Sự bảo vệ đó phải được áp dụng trước hết đối với những hành vi nhằm làm cho việc làm của người lao động phụ thuộc vào điều kiện là người đó không được gia nhập công đoàn hoặc phải từ bỏ tư cách đoàn viên công đoàn; sa thải hoặc gây tổn hại cho người lao động với lý do là đoàn viên công đoàn, tham gia các hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc hoặc với sự đồng ý của người sử dụng lao động trong giờ làm việc.
2. Bảo vệ công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động
Điều 2 Công ước số 98 quy định các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.
Cụ thể, những hành vi được coi là can thiệp theo quy định của Công ước số 98 là những hành vi nhằm thúc đẩy việc thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính hay bằng những biện pháp khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động.
3. Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện
Công ước số 98 xác lập nguyên tắc tự nguyện và thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời nhắc tới trách nhiệm của nhà nước trong việc khuyến thích và thúc đẩy xây dựng cơ chế thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện.
Trách nhiệm thúc đẩy thương lượng tập thể của nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua các cơ chế như: quy định rõ ràng về việc yêu cầu thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động (hòa giải, trọng tài); cơ chế kéo dài thời hạn hoặc mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể tự nguyện; xây dựng và bảo đảm thực hiện các quy định về thương lượng tự nguyện.
Đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần thực hiện các nội dung Công ước số 98 gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 14/01/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 50-CTr/TU ngày 29/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới với các yêu cầu cụ thể sau: 
- Thành lập, kiện toàn tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp: Đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn thì khẩn trương thành lập tổ chức công đoàn để đi vào hoạt động; trường hợp doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để thành lập công đoàn thì phải thường xuyên liên hệ với tổ chức công đoàn nơi doanh nghiệp hoạt động để nhận được sự hỗ trợ trong việc xây dựng, củng cố quan hệ lao động. Đối với doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn thì phải tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động hiệu quả, bố trí cán bộ có chuyên môn, bản lĩnh chính trị làm công tác công đoàn; người sử dụng lao động cần thường xuyên phối hợp với tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp trong phòng ngừa, giải quyết các tranh chấp về lao động.
- Nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các bên: Người sử dụng lao động và người lao động phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật lao động, các quy định có liên quan, nội quy, quy chế do doanh nghiệp ban hành trong quá trình thực hiện quan hệ lao động. Người sử dụng lao động phải tạo điều kiện để người lao động có điều kiện đươc tham gia các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động; người lao động phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy quy chế của doanh nghiệp.
- Xây dựng, hoàn thiện các nội quy, quy chế liên quan đến quan hệ lao động. Người sử dụng lao động phải chủ động phối hợp với tổ chức công đoàn, tập thể người lao động trong việc xây dựng, hoàn thiện các nội quy, quy chế  như: nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy trình giải quyết tranh chấp lao động. 
- Thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động: Người sử dụng lao động dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình sử dụng lao động để lập kế hoạch sử dụng lao động cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng không bố trí được việc làm dẫn đến việc phải cho người lao động nghỉ việc; giải quyết kịp thời, đúng quy định các chế độ của người lao động trong trường hợp bắt buộc phải cho người lao động nghỉ việc. Thực hiện các giải pháp để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; đảm bảo mọi quyền lợi của người lao động được thực hiện theo đúng quy định.