Tin tức sự kiện

Đắk Nông cam kết tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đến tìm hiểu, khảo sát và đầu tư
Ngày đăng 13/04/2023 | 15:46  | View count: 77584

Cổng thông tin điện tử tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh tại Chương trình “Tọa đàm kết nối đầu tư khu vực phía Nam năm 2023”. Chương trình do Cục đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/4, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đắk Nông là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, có tổng diện tích 6.514 km2, dân số khoảng 700.000 người, với khoảng 40 dân tộc anh em cư trú trên địa bàn 7 huyện và 1 thành phố. Đắk Nông có tuyến quốc lộ 14, 14c và 28 chạy qua, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải miền Nam Trung bộ; có đường biên giới dài 141km và hai cửa khẩu quốc gia là Bu Prăng và Đăk Per nối với nước bạn Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi để Đắk Nông liên kết phát triển với các vùng, miền, quốc gia. 

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Đắk Nông một kho tàng danh thắng và di sản văn hóa hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú, đó là hệ thống những thác nước đẹp, hùng vĩ như Đắk G'Lun, Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ,.. và nhiều hồ nước tự nhiên, thơ mộng như Hồ Tây, hồ Trúc, Ea Sno, Tà Đùng,..; cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Vườn Quốc gia Tà Đùng với diện tích rộng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,…

Đặc biệt, hồ Tà Đùng của Đắk Nông có diện tích khoảng 3.000 ha mặt nước, với 47 hòn đảo và bán đảo lớn, nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo với vẻ đẹp nguyên sơ quyến rũ. Nơi đây được nhiều nhà đầu tư săn đón với những ý tưởng dự án lớn về lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, Đắk Nông còn là vùng đất hội tụ các giá trị di sản địa chất độc đáo vào bậc nhất của cả nước với các miệng núi lửa đẹp, điển hình cùng hệ thống các hang động núi lửa đạt kỷ lục dài và rộng nhất khu vực Đông Nam Á.

Nằm trọn vẹn trong Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại, Đắk Nông còn được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa với đa dạng các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, nổi bật như Sử thi Ot N'rong, hệ thống các lễ hội dân gian, các nghề thủ công truyền thống, các di tích lịch sử,…

Chính những yếu tố độc đáo về mặt cảnh quan, địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học, cùng với hướng phát triển bền vững của địa phương đã giúp tỉnh Đắk Nông xây dựng thành công "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông" – Danh hiệu cao quý do Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc vinh danh.

Với thương hiệu danh giá này, tỉnh Đắk Nông đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, gồm 177 điểm đến là các Công viên địa chất thuộc các khu vực: Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Phi, Mỹ La tinh – Vùng Ca-ri-bê và khu vực Bắc Mỹ.

Nhìn trên tổng thể, du lịch của Đắk Nông có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển bứt phá, cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên ngành du lịch vẫn còn nhiều thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Do đó, tỉnh Đắk Nông đã xác định du lịch là một trong ba trụ cột nền kinh tế của địa phương và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới:

- Hoàn thiện đề án phát triển du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề án Khu du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm tại hồ Tà Đùng và khu vực lân cận; bổ sung vị trí, các địa điểm du lịch có tiềm năng vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030;

- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, vận hành hiệu quả các khu, điểm du lịch trong Công viên địa chất, các di tích lịch sử, khôi phục các nét văn hoá, các lễ hội truyền thống,…; Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư để hình thành các khu, điểm du lịch tại một số hang động núi lửa nổi bật thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông;

- Đồng thời, nỗ lực xây dựng chiến lược dài hạn, một cách bài bản để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, song vẫn giữ được tính hoang sơ, tự nhiên sẵn có, đảm bảo việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị tự nhiên và văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ…

Với các giá trị hội tụ trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cùng định hướng phát triển của địa phương, chúng tôi tin tưởng rằng, Đắk Nông sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư tâm huyết với du lịch bền vững.

Phát triển đô thị xanh đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia và là xu hướng phát triển bền vững chung của thế giới. Chính quyền các đô thị đang dần nhận ra vai trò của không gian xanh đô thị trong gắn kết hài hòa với các yếu tố tự nhiên - con người và xã hội.

Trên thế giới, mô hình này đã xuất hiện khắp Châu Âu như Anh, Thuỵ Điển, Đức,… Riêng tại khu vực Đông Nam Á, có thể nói Singapore là quốc gia đi đầu trong các sáng kiến xây dựng mô hình đô thị xanh. Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng đến việc phủ xanh đô thị với mục đích thẩm mỹ và cải thiện môi trường. Do có diện tích nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với TP.HCM, nên từng mét vuông đất đều được quy hoạch rất cẩn thận. Đặc biệt, Singapore đã áp dụng chính sách vườn ở bất kì nơi đâu, từ tường nhà tới mái và đẩy mạnh xây dựng công viên cây xanh trong đô thị. Chính vì vậy, diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích toàn thành phố, con số đáng mơ ước với nhiều thành phố khác trên thế giới.

Theo các chuyên gia, để một đô thị chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, tuy chưa có các tiêu chí cụ thể để xem xét, đánh giá một đô thị có phải là đô thị xanh, đô thị sinh thái hay không, nhưng trong những năm gần đây, vấn đề quy hoạch đô thị xanh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực.

Đối với tỉnh Đắk Nông, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến việc phát triển các khu đô thị xanh hiện đại, bền vững và gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương. Xét về tiềm năng lợi thế, Đắk Nông có vùng đất đỏ bazan màu mỡ cùng với điều kiện khí hậu ôn hòa, mát mẽ quanh năm, hệ sinh thái đa dạng, nguồn nước phong phú, có nhiều suối, hồ, rừng, vườn tược; Đắk Nông còn có lợi thế về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến và dịch vụ gắn với nông - lâm nghiệp, dịch vụ du lịch xanh; đặc biệt là bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, con người Đắk Nông thân thiện, hài hoà sống gần gũi với thiên nhiên, tích cực bảo vệ môi trường… Đây là những điều kiện đáp ứng đủ 3 yếu tố "môi trường xanh – kinh tế xanh- xã hội xanh" để xây dựng và phát triển thành một đô thị xanh, đô thị sinh thái.

Tính đến nay, Đắk Nông có 1 đô thị loại III, có 03 đô thị loại IV và 05 đô thị loại V, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, hàng loạt các công trình kiến trúc mới đang mọc lên nhanh chóng. Tỉnh cũng đã triển khai một số ứng dụng giao thông thông minh mang lại tiện ích cao như: camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông; có nhiều hoa viên, lâm viên được quy hoạch với không gian xanh tự nhiên… Tuy nhiên, chất lượng đô thị cũng phát triển chưa đồng đều, hệ thống cây xanh đô thị hiện vẫn còn hạn chế, chưa phù hợp với cảnh quan kiến trúc đặc trưng cho các đô thị của tỉnh…

Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung một số giải pháp để phát triển trở thành một đô thị xanh, sinh thái, giàu bản sắc văn hóa, trong đó:

- Ưu tiên hoàn chỉnh các định hướng chiến lược về quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị, phát triển đô thị xanh, thông minh, đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc văn hoá đặc trưng, phong tục tập quán, địa hình cảnh quan, tự nhiên sẵn có, thân thiện với môi trường;

- Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sử dụng các yếu tố xanh, tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị. Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, nâng cao tỷ lệ cây xanh trên tỷ lệ người dân; ưu tiên ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc; xây dựng hệ thống xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, hiện đại;

- Thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị, tích cực vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), nguồn vốn trong các doanh nghiệp và trong nhân dân để đầu tư phát triển đô thị…

Đắk Nông hôm nay đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh thuộc các các ngành, lĩnh vực, do đó tỉnh mong muốn thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư xây dựng các dự án lớn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ cho địa phương.

Với quan điểm "Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, tiềm năng của chúng tôi là cơ hội của bạn", chính quyền tỉnh Đắk Nông cam kết luôn đồng hành, tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu và đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Đắk Nông;

Đồng thời, giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư đến kết quả cuối cùng, đúng hoặc trước thời hạn quy định; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; thông tin quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các thủ tục hành chính được công khai và thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh, các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ được thực hiện theo quy định và được công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công, cổng thông tin dịch vụ công, cổng thông tin điện tử của tỉnh Đắk Nông….

Theo công bố ngày 11/4, chỉ số PCI năm 2022 của Đắk Nông đứng vị trí thứ 38/63, tiếp tục tăng 14 bậc so với năm 2021, tăng 22 bậc so với năm 2020; điều này minh chứng cho tỉnh Đắk Nông đang rất nổ lực tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư.

Thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông, chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

Tôn Thị Ngọc Hạnh

TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Theo daknong.gov.vn