Thông tin tuyển dụng

Nghị quyết đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành
Ngày đăng 11/07/2024 | 09:57  | View count: 1292

Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành dài khoảng 128,8km với tổng mức đầu tư là 25.540 tỷ đồng; thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 138/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).

Mục tiêu của nghị quyết nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị.

Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư: Đầu tư khoảng 128,8km, chia thành 5 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.111ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 12ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.041ha; đất ở khoảng 12ha; đất rừng sản xuất khoảng 46ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng. Thực hiện Dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng Dự án; quản lý, sử dụng vốn, các nguồn lực và thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện Dự án.

Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá, nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ tổng thể các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai các dự án chồng lấn với khu vực quy hoạch khoáng sản; lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án.

Theo báo Đắk Nông điện tử