Chuyển đổi số
Một số hướng dẫn triển khai Luật đầu tư năm 2020
Ngày đăng 12/01/2021 | 09:40 | View count: 149068
Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 (sau đây gọi là Luật Đầu tư năm 2020). Hiện nay, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020 đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam để áp dụng ngay sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành.
Để kịp thời áp dụng thực hiện Luật Đầu tư năm 2020 từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Ngày 31/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản hướng dẫn về việc triên khai thi hành Luật đầu tư năm 2020, cụ thể như sau:
I. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020
1. Về hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư:
Kể từ ngày 01/01/2021, hồ sơ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và các thủ tục khác để thực hiện hoạt động đầu tư được áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020; cụ thể như sau:
1.1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 và khoản 1 Điều 35 Luật Đầu tư năm 2020.
b) Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Đầu tư năm 2020.
1.2. Hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020.
1.3. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại các Điều 34, 35 và 36 Luật Đầu tư năm 2020.
2. Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
2.1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 39 Luật Đầu tư năm 2020.
2.2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư.
2.3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư năm 2020.
2.4. Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư tiếp tục thực hiện thủ tục đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư (trước đây là Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài) đã được thiết lập và vận hành trong thời gian qua.
3. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:
3.1. Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư năm 2020.
3.2. Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được thực hiện như sau:
3.2.1. Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.
Trường hợp đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, căn cứ văn bản chấp thuận của Cơ quan đăng ký đầu tư, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
3.2.2. Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm:
a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);
b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
c) Văn bản thỏa thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nhận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
d) Văn bản kê khai (kèm theo bản sao) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế nhận vốn góp, cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (đối với trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư năm 2020). Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc kê khai.
4. Một số văn bản thực hiện thủ tục đầu tư được lập theo mẫu kèm theo công văn này.
5. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:
5.1. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020.
5.2. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được xem xét theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành (gồm luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ) và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
6. Xem xét điều kiện bảo đảm quốc phòng an ninh:
Căn cứ Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 ngày 08/6/2018, Luật An ninh quốc gia số 32/2004/QH11 ngày 03/12/2004, Pháp lệnh số 32-L/CTN ngày 19/5/1994 về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH11 về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Nghị định số 04/CP ngày 16/1/1995 ngày 16/01/1995 của Chính phủ ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đối với các trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư và điểm d khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư.
II. Giải quyết hồ sơ dự án đầu tư tiếp nhận trước ngày Luật đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành
1. Căn cứ quy định tại khoản 11 Điều 77 Luật Đầu tư năm 2020, kể từ ngày 01/01/2021, hồ sơ hợp lệ đã tiếp nhận theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư mà đã quá thời hạn giải quyết nhưng chưa trả kết quả theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Hồ sơ hợp lệ được xác định theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
2. Đối với hồ sơ hợp lệ đã tiếp nhận theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và có thời hạn giải quyết thủ tục hành chính sau ngày 01/01/2021, Cơ quan đăng ký đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư nộp bổ sung các giấy tờ còn thiếu (nếu có) hoặc điều chỉnh các nội dung trong hồ sơ đã nộp cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2020 để thực hiện thủ tục theo quy định của Luật này.