Tin tức các khu công nghiệp

Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số
Publish date 14/11/2022 | 13:48  | View count: 62650

Ngày 09/11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tập đoàn Meta tổ chức Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, Quản lý Chương trình Chính sách, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta Ruici Tio, cùng đại diện các bộ, ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và chú trọng việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới, sáng tạo. Ở cấp cao nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với thị trường nội địa gần 100 triệu người, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao với 70% dân số sử dụng internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet 2 đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước.

Hiện nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn.

Tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan đã có những thông tin đánh giá, chia sẻ về chuyển đổi số và cho rằng, thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các bộ ngành, cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ban ngành, địa phương, các cơ quan hỗ trợ, các tổ chức hiệp hội và sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy thực hiện tầm nhìn tương lai trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua trong đó kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập kỷ tới.

Tại Diễn đàn, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày về các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và cho biết, sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ, các đối tác trong nước và quốc tế triển khai với mục tiêu đến năm 2030, đổi mới sáng tạo là trụ cột của tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030; Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại các cơ quan trung ương và địa phương; Thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, để Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự hiện diện của nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, NIC thực hiện nhiệm vụ chính là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; Thúc đẩy kết nối, đề xuất chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Vận hành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; Cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Giới thiệu về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Sau gần 02 năm thực hiện, Chương trình đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động cụ thể với hàng triệu lượt tiếp cận thông tin về Chương trình và đạt được một số kết quả tích cực ban đầu. Cổng thông tin về chuyển đổi số doanh nghiệp được xây dựng, cung cấp trực tuyến và miễn phí bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, các cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp và nhận được hơn 400 nghìn lượt tiếp cận, sử dụng.

Thực hiện tư vấn chuyên sâu 1-1 cho hơn 100 doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề chuyển đổi số cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công làm các mô hình thành công điển hình. Đào tạo cơ bản trực tiếp cho khoảng 6.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố. Đào tạo nâng cao, đào tạo lại cho lực lượng lao động tại 13 tỉnh, thành phố về đổi mới sáng tạo và kỹ năng số. Thiết lập Mạng lưới hơn 100 chuyên gia chuyển đổi số, tổ chức đào tạo để nâng cao chất lượng hệ sinh thái về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chương trình đã tạo niềm tin, động lực, bài học kinh nghiệm tốt lan tỏa cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần giúp các doanh nghiệp tự tin, có hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức khi triển khai chuyển đổi số.

Đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn, ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta đã trình bày xu hướng và cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế số. Meta đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ở Việt Nam và có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua các chương trình đào tạo trực tiếp và trực tuyến với các nội dung từ cơ bản đến toàn diện, đa dạng; duy trì mạng lưới hỗ trợ.

Meta cũng đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nền tảng, cơ hội số; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu xuất khẩu; tăng cường trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ, tăng tính kết nối một cách nhanh chóng, thuận tiện nhưng quan trọng là chi phí thấp. Meta luôn đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác cho doanh nghiệp về công nghệ, thương hiệu, nghiên cứu; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan trong việc thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Diễn đàn được nghe ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày về thực trạng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và vừa trên toàn quốc: thách thức và những kết quả đạt được.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thích ứng và nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số. Trong đó, tập trung vào các nội dung cụ thể như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Ứng dụng các giải pháp công nghệ, sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng năng suất; Năng lực chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, các rủi ro thường gặp và cách phòng tránh, khắc phục. Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai. Các giải pháp tài chính toàn diện giúp doanh nghiệp thực hiện thành công chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến các giải pháp thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, mở rộng thị trường và tăng doanh số bán hàng như giải pháp và xu hướng mới trên nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng doanh số, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng mới trong nước và xuất khẩu; Thương mại khám phá và các công cụ đổi mới. Chia sẻ kinh nghiệm khi sử dụng các công cụ của Meta giúp mở rộng thị trường và kết nối với khách hàng trực tuyến; các công cụ và giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao doanh số bán và tăng cường quản lý bán hàng./.

Theo mpi.gov.vn