Thông tin về đầu tư

Chuyển đổi số để phòng, chống tham nhũng hiệu quả
Publish date 24/04/2024 | 14:47  | View count: 1735

Các giải pháp giúp thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) đã được các bộ, ngành, địa phương chia sẻ, bàn thảo tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về CĐS.

Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về CĐS, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CĐS là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan. CĐS cũng là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

CĐS giúp giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp. Số hóa mạnh mẽ, tăng cường công khai, minh bạch đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Kế hoạch hoạt động năm 2024, Ủy ban Quốc gia CĐS xác định chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác CĐS quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về phát triển kinh tế số như: Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số Việt Nam năm 2024; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử tiêu thụ nông sản Việt; số hóa ngành sản xuất công nghiệp; phát triển nông nghiệp thông minh…

Các bộ, ngành, địa phương đề xuất nhiều giải pháp cho phát triển kinh tế số như đẩy nhanh triển khai 5G thương mại; thúc đẩy quy hoạch và phát triển các siêu trung tâm dữ liệu tầm cỡ khu vực; nghiên cứu, hợp tác phát triển các ứng dụng và hoàn thiện hệ sinh thái CĐS cho các ngành trọng điểm dựa trên 5G và AIoT; nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hình thành thị trường ứng dụng giải pháp chuyển đổi số ngành…

Đến nay, tỷ trọng kinh tế số trên GDP của Việt Nam đạt 16,5%; trong đó, tỷ trọng kinh tế số lõi ICT chiếm hơn 60%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 6,58%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt khoảng 8%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực điện lực đạt 100%; lĩnh vực ngân hàng đạt 42,4%... Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp.

Theo báo Đắk Nông điện tử