Thông tin về đầu tư

Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Publish date 14/07/2023 | 15:26  | View count: 2304

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Trong những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát thủ tục hành chính và chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia, qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, từng bước đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các công việc cụ thể sau:

a) Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp.

b) Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng tháng thống kê đầy đủ những thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính.

c) Đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trên môi trường điện tử; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

d) Thực hiện tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả; hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.

đ) Rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đồng thời, khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản thực thi 797 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, 627 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và 445 thủ tục hành chính phải phân cấp theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.

e) Xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trước mắt, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung xử lý dứt điểm 396 phản ánh, kiến nghị tại mục IX Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ.

g) Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.

h) Bảo đảm nguồn lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính, chú trọng trong việc lựa chọn cán bộ, công chức giỏi, đáp ứng yêu cầu công tác ở các cơ quan chuyên môn về làm việc biệt phái hoặc trưng tập tại các đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành trong tháng 8 năm 2023; bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thẩm định chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính

Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa quốc gia; hoàn thành trong tháng 7 năm 2023.

5. Bộ trưởng Bộ Nội vụ

a) Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng thanh tra việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương. Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai công tác này tại các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực chất, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương hành chính.

b) Là cơ quan thường trực cải cách hành chính, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương để kịp thời xem xét, chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Tổng Thanh tra Chính phủ

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 7 năm 2023.

7. Văn phòng Chính phủ

Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện này, bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao một cách hiệu quả, thực chất; định kỳ hàng tháng tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Công điện này đến từng cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức thuộc phạm vi chức năng quản lý; định kỳ trước ngày 20 hàng tháng có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Theo chinhphu.vn