Thông tin về đầu tư

VNPT – iLIS, giải pháp quản lý đất đai trên môi trường số
Publish date 21/10/2022 | 14:03  | View count: 40041

Những năm qua, vấn đề số hóa dữ liệu cơ sở đất đai được Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm với nhiều dự án lớn. Làm sao để xây dựng được một hệ thống dữ liệu cơ sở đất đai toàn diện, dễ quản lý và dễ sử dụng, đó là bài toán đầy thách thức. Với VNPT, thách thức này chính là cơ hội và VNPT - iLIS là minh chứng khi hỗ trợ mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước về đất đai theo hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia.

VNPT - iLIS giúp hoàn thiện dữ liệu lớn về đất đai

Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT – iLIS là một "hệ sinh thái" được VNPT tự nghiên cứu và phát triển nhằm hỗ trợ mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước về đất đai theo hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất của CMCN 4.0, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số.

Sau khi vận hành hệ thống quản lý đất đai - VNPT iLIS đã ghi nhận một số hồ sơ giao dịch tại Cà Mau

VNPT - iLIS đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực quản lý đất đai thông qua việc tin học hóa các quy trình nghiệp vụ quản lý đất đai. Hỗ trợ việc nâng cao quy trình quản lý sử dụng đất, bảo đảm thi hành thống nhất Luật Đất đai với mức độ khác nhau, thiết lập hệ thống giám sát và quản lý để đánh giá việc quản lý, sử dụng đất. Đây cũng chính là nền tảng xây dựng CSDL đất đai quốc gia, 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải ưu tiên hoàn thiện.

Bao gồm 7 phân hệ: Quản lý địa chính; hồ sơ quét; CSDL giá đất; CSDL Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL thống kê, kiểm kê; quy trình luân chuyển hồ sơ và Cổng thông tin, VNPT – iLIS sẽ giúp giải quyết các bài toàn nghiệp vụ về đăng ký biến động đất đai phục vụ cho công tác quản lý đất đai tại các tỉnh, thành phố. Với phần mềm VNPT-iLIS, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện đầy đủ các quy định pháp lý để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dễ dàng tra cứu thông tin về chủ sử dụng, thửa đất, trạng thái thửa đất, các thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ, hồ sơ liên quan đến thửa đất, dữ liệu quy hoạch, thống kê, kiểm kê được kết nối liên thông tới dữ liệu địa chính. VNPT-iLIS là công cụ kết nối cán bộ địa chính xã với người dân một cách trực quan và dễ dàng để tra cứu thông tin về quy hoạch trích lục, trích đo, tên chủ, loại đất, giấy tờ pháp lý liên quan tới thửa đất.

Hệ thống thông tin đất đai VNPT - iLIS đã được triển khai áp dụng thử nghiệm tại 14 tỉnh gồm Quảng Ninh, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Phước, Lào Cai, Kon Tum, Lai Châu, Hậu Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Lâm Đồng, Bình Dương, Đà Nẵng, Thanh Hoá. Và mới đây nhất, ngày 10/10/2022, VNPT – iLIS đã được UBND tỉnh Cà Mau đưa vào vận hành để thực hiện quản lý đất đai trên môi trường số.

Cà Mau bắt đầu quản lý đất đai trên môi trường số

Theo đề án Chuyển đổi số đến 2025 định hướng đến 2030, mục tiêu phấn đấu của tỉnh Cà Mau là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của Tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này,  thời gian qua, Cà Mau đã quan tâm đầu tư nguồn lực cho thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, hạ tầng Công nghệ thông tin - Viễn thông đã cơ bản bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, với 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống cáp quang Internet và phủ sóng mạng di động 3G, 4G.

Hạ tầng số này là nền tảng để Cà Mau có thể thực hiện mục tiêu chuyển đổi số công tác quản lý các lĩnh vực kinh tế -xã hội, trong đó có công tác quản lý đất đai.Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Vấn đề đất đai luôn người dân rất quan tâm, khi được chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận được thông tin về đất đai, quy hoạch cũng như tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực hiệu quả hơn".

Tại Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến 2025 định hướng đến 2030 diễn ra hồi giữa tháng 9/2022, một lần nữa việc quản lý đất đai trên môi trường số đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập và chỉ đạo Tập đoàn VNPT hỗ trợ tỉnh Cà Mau triển khai. Ngay sau đó, Tập đoàn VNPT và các đơn vị liên quan của Cà Mau đã phối hợp bắt tay vào thực hiện.

Ông Ngô Diên Hy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ, dù thời gian rất hạn hẹp, VNPT tập trung mọi nguồn lực quyết tâm thực hiện thần tốc với khối lượng công việc cực kỳ lớn, từ khởi tạo hệ thống, khảo sát, thu thập dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu địa chính của các huyện, thành phố từ hệ thống Vilis bao gồm: dữ liệu không gian, dữ liệu thuộc tính và dữ liệu hồ sơ quét sang hệ thống VNPT-iLIS đảm bảo đầy đủ, chính xác. Hệ thống VNPT-iLIS được kết nối liên thông với hệ thống thông tin của cơ quan thuế, cổng dịch vụ công của Tỉnh, cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng thông tin quốc gia về đất đai. Gần 200 CBCNV chuyên trách về công tác quản lý đất đai tỉnh Cà Mau cũng đã được đào tạo để đảm bảo vận hành hiệu quả Hệ thống.

Sau 25 ngày triển khai, đến ngày 10/10/2022, hành Hệ thống thông tin đất đai VNPT-iLIS sử dụng công nghệ GIS lõi đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, đánh một dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện quản lý đất đai trên môi trường số của tỉnh Cà Mau. "Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp có liên quan, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp vào công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh", ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Khi hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT- iLIS được đưa vào sử dụng, các thông tin về đất đai, giá đất đều được công khai trên hệ thống. Vì thế, Hệ thống không chỉ giúp cơ quan chức năng địa phương quản lý đất đai hiệu quả mà còn giúp người dân tra cứu thông tin dễ dàng. VNPT-iLIS sẽ là nền tảng để UBND tỉnh Cà Mau hoàn thiện hạ tầng không gian địa lý toàn tỉnh và xây dựng Chính quyền số tại địa phương.

Ông Ngô Diên Hy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, việc triển VNPT-iLIS tại Cà Mau lần này như một điển hình về công tác triển khai trong thời gian ngắn, phạm vi dữ liệu lớn, đảm bảo kết nối liên thông với các hệ thống chính quyền điện tử khác. Là bài học kinh nghiệm để VNPT triển khai hệ thống thông tin đất đai cho các địa phương khác, góp phần xây dựng và hoàn thiện 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng, đó là CSDL đất đai quốc gia.

Theo mic.gov.vn