Thông tin về đầu tư
Ngày 1/8/2022, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp”, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng, đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực; lãnh đạo các địa phương nơi có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cùng với các doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Hội nghị nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đời sống người lao động, nhất là lao động thu nhập thấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp, gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện điều kiện nhà ở. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động; nhìn chung, nhà ở vẫn là nhu cầu cấp thiết của công nhân, người lao động. Cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo các cơ quan sắp tới triển khai các hội nghị để vừa phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, bền vững, lâu dài, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ chuyển đổi, và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trong thời gian vừa qua được thực hiện theo các quy định tại Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP); Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
Trong công tác đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thời gian gần đây, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra thường xuyên công tác quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã lập kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc trực tiếp với một số địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chia sẻ, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...có thể thấy hầu hết các nước đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hoặc người dân thuê, mua nhà ở xã hội.
Về kết quả đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn; đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2. Với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu rất lớn cũng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Chỉ ra một số nguyên nhân, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho nhóm đối tượng này trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế, đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
Lập phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030; trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án. Thủ tướng Chính phủ giao quy hoạch, định hướng các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Để có cơ sở số liệu lập đề án, Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo trong tháng 8 một số nội dung theo yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng kiến nghị một số giải pháp các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp thực hiện. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi); chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, cùng các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống Ngân hàng thương mại theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; đôn đốc các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hiến kế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.
oàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã trình bày, đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: các báo cáo của Bộ Xây dựng và các Bộ ngành, địa phương về kết quả thực hiện, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân và người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất rất cụ thể đầy đủ; đã đề xuất được một số giải pháp thiết thực thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phù hợp, trong đó chỉ đạo cụ thể các định hướng, giải pháp sửa đổi, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành, tiếp tục giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Theo moc.gov.vn