Chuyên mục cải cách hành chính
Thủ tướng chỉ rõ phải tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, triển khai hiệu quả hơn "ngoại giao công nghệ," "ngoại giao kinh tế số."
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài |
Chiều tối 19/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các tỉnh, thành phố trong nước và 94 Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế và sau đúng 1 tháng Thủ tướng chủ trì hội nghị tương tự với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo 16 hiệp hội doanh nghiệp, 19 tập đoàn kinh tế; các nhà khoa học.
Báo cáo về công tác ngoại giao kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết trong thời gian tới, ngành Ngoại giao tập trung thực hiện sáu trọng tâm gồm: quán triệt Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, từ đó định hướng trọng tâm và tăng hiệu quả phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế; tiếp tục phát huy thế mạnh của ngoại giao trong nghiên cứu, dự báo, hỗ trợ thiết thực cho công tác điều hành của Chính phủ; tận dụng các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao để thúc đẩy hợp tác kinh tế; tháo gỡ các vướng mắc; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới và đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng, nhất là về xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học-công nghệ, các động lực tăng trưởng mới… nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển đất nước.
Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đề xuất các biện pháp đẩy mạnh kịp thời các hoạt động Ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước, ở các cấp, các ngành, góp phần hiệu quả bảo đảm ổn định và mở rộng thị trường, tạo đột phá trong phát hiện, kết nối, tham mưu để tranh thủ thu hút đầu tư chất lượng cao..., đặc biệt đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, biện pháp, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế phát biểu kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa thị trường địa bàn sở tại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước; cung cấp thông tin thiết thực, kịp thời tình hình địa bàn; góp phần giới thiệu các doanh nghiệp lớn của các nước đầu tư vào Việt Nam vào các lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số…
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước để đa dạng hóa nguồn cung; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới; hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; có tiếng nói tích cực tác động chính quyền sở tại tháo gỡ khó khăn trong quá trình hợp tác.
[Thủ tướng họp trực tuyến với đại sứ, trưởng đại diện ở nước ngoài]
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị; cho rằng đây là cách làm mới, thể hiện quan điểm "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân."
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo ảnh hưởng toàn cầu, trong đó có Việt Nam; công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua cơ bản là đúng hướng, phù hợp, kinh tế-xã hội của nước ta 8 tháng đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Một số tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022; Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về Chỉ số phục hồi COVID-19; Moody's nâng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ Ba3 (triển vọng tích cực) lên Ba2 (triển vọng ổn định).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh có được kết quả quan trọng này là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn Đảng, Nhà nước; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ; sự cố gắng, triển khai nhịp nhàng của các Bộ, ngành, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; sự phối hợp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao nói chung và của công tác ngoại giao kinh tế nói riêng.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định tình hình trong thời gian tới có khó khăn, thách thức, cơ hội, thuận lợi đan xem, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trước tình hình đó, phải giữ đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, với tư duy "giữ ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự xáo động; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế." Tiếp tục thúc đẩy 3 động lực chính của nền kinh tế bao gồm thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng.
Thông điệp khẳng định Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đó, thực hiện quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế; đồng thời, tiếp tục chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.
Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng; xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Cũng theo Thủ tướng, cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục, công nghiệp văn hóa… Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; chủ động cảnh báo, phòng ngừa, và xử lý các rủi ro, tranh chấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ phải tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Cụ thể hóa, triển khai hiệu quả hơn "ngoại giao công nghệ," "ngoại giao kinh tế số," thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
"Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, vừa bước ra khỏi chiến tranh, do đó các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải góp phần đảm bảo công bằng, công lý trong hợp tác kinh tế," Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược. "Các Cơ quan đại diện cần phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp theo dõi, tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại; chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá, từ đó tham mưu, đề xuất với các bộ ngành và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ," Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục kiện toàn cơ chế, khuôn khổ, nguồn lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ phận tại các Cơ quan đại diện, dưới sự chỉ đạo của các Đại sứ, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng với sự chung sức, đồng lòng của ngành Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển," chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Đề nghị tất cả chúng ta chung sức, đồng lòng, tất cả vì sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân," Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo vnanet.vn (TTXVN)