Tình hình tiếp công dân và giải quyết đơn thư

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và quy định mới về chứng thư điện tử
Publish date 05/12/2023 | 04:30  | View count: 1673

Trong thời đại số hóa ngày càng phát triển, việc sử dụng chứng thư điện tử đã trở thành một phần quan trọng trong việc xác nhận và chứng thực các giao dịch và thông tin trực tuyến. Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, và việc quy định rõ ràng về điều này là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong việc sử dụng công nghệ số.

Điều kiện để thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý

Theo Điều 3 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), định nghĩa về chứng thư điện tử như sau: Chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), để đảm bảo giá trị pháp lý, chứng thư điện tử cần tuân thủ quy định:

"Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

a) Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật này;

b) Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng dưới dạng hoàn chỉnh;

c) Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian"

Bên cạnh đó, chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các yêu cầu trong chuyển giao chứng thư điện tử

Chứng thư điện tử được quyền chuyển giao từ năm 2024, nếu đáp ứng các điều kiện dưới đây (căn cứ theo Điều 20 Luật Giao dịch điện tử sửa đổi)

- Khẳng định được chứng thư điện tử có chủ thể sở hữu và chỉ chủ thể này đang kiểm soát;

- Chỉ được chuyển giao khi pháp luật cho phép chuyển giao quyền sở hữu đối với chứng thư điện tử;

Ngoài ra, chứng thư điện tử khi chuyển giao phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Chứng thư điện tử phải toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên, dưới dạng chứng thư điện tử hoàn chỉnh;

- Thông tin trong chứng thư điện tử có thể sử dụng và truy cập được dưới dạng hoàn chỉnh;

Hệ thống thông tin phục vụ việc chuyển giao chứng thư điện tử phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Trong trường hợp pháp luật cho phép chuyển hình thức từ văn bản giấy sang chứng thư điện tử đối với các loại giấy tờ và được pháp luật cho phép nhưng yêu cầu chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất thì văn bản giấy sẽ không còn giá trị pháp lý ngay khi việc chuyển giao được hoàn thành.

Quy định của pháp luật về lưu trữ chứng thư điện tử

Theo quy định tại Điều 21 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) về yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử. Hoạt động lưu trữ chứng tử phải đáp ứng ứng các quy định như sau:

Thông tin trong chứng thư điện tử phải có thể truy cập và sử dụng để tham chiếu. Các thông tin của chứng thư điện tử được lưu trong chính khuôn dạng được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác thông tin.

Chứng thư điện tử được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, người gửi, người nhận, thời gian gửi và nhận chứng thư. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin phục vụ lưu trữ chứng thư điện tử phải đảm bảo an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp 3 theo quy định về an toàn thông tin mạng./.

Theo mic.gov.vn