Asset Publisher

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước đối mặt nhiều thách thức
Publish date 30/08/2023 | 14:18  | View count: 2683

Ngày 26/7/2023, hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức” do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo); Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTRANS); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO).

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc VOV

Tại hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số trong sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung, đồng thời chỉ ra những thách thức trong quá trình chuyển đổi số và giải pháp khắc phục.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giúp các chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn.

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đã mang đến cơ hội phát triển của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế. Thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… là những yếu tố đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay.

Tại hội thảo, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số - Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của quá trình chuyển đổi số để định hình chiến lược và mô hình phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo

"Chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình hay phương thức. Do vậy, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức"- ông Giang nói.

Theo ông Giang, dữ liệu là nền tảng của tiến trình chuyển đổi số, tính nền tảng này được thể hiện thông qua việc vốn hóa dữ liệu trở thành một "hệ thống ngôn ngữ giao tiếp dữ liệu chung". Thông qua việc xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng theo chiến lược nền tảng, các doanh nghiệp sẽ hoạch định được một bức tranh chuyển đổi tổng thể. "Việc xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng theo chiến lược nền tảng sẽ cho phép doanh nghiệp nhà nước có thể giải quyết được những điểm nghẽn hiện tại trong tiến trình chuyển đổi số"- ông Giang nhấn mạnh.Còn theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, tuỳ thuộc vào mỗi đặc thù doanh nghiệp, chuyển đổi số có các xuất phát điểm khác nhau. Chúng ta cần đánh giá hiện trạng cụ thể để xây dựng chiến lược và lộ trình phù hợp với doanh nghiệp.

Để triển khai các ứng dụng, hệ thống cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác tối đa giá trị từ dữ liệu, cần bắt đầu từ việc xây dựng nền tảng hạ tầng cơ bản, nền móng nhất cho doanh nghiệp. Ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số khu vực miền Bắc - Công ty cổ phần Base Enterprise cũng thừa nhận, những thách thức doanh nghiệp nhà nước đối mặt trong quá trình chuyển đổi số đó là: quy mô lớn, được đầu tư từ khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài nên khó khăn trong chuyển đổi mô hình, trong vận hành, trong ứng dụng công nghệ mới. Quy trình đầu tư, đặc biệt là công nghệ của doanh nghiệp nhà nước gặp phải nhiều khó khăn về mặt thủ tục, hiệu quả đầu tư…

Vì vậy, để chuyển đổi số, theo ông Bùi Trung Thành, doanh nghiệp nhà nước cần chuyển đổi tư duy, định hướng của doanh nghiệp từ trung tâm sản xuất sang việc lấy khách hàng làm trung tâm. Đặc biệt là chuyển đổi các quy trình hoạt động giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường các kỹ năng mới trong phát triển sản phẩm, trong dịch vụ khách hàng...

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số và các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, bước đi nhằm cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới./.

Theo Mic.gov.vn