Asset Publisher
Ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22 tháng 01 năm 2013 quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2023.
Chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước nhấn mạnh để phục vụ công cuộc chuyển đổi số, xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số phải phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò cầm nhịp, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu tại Việt Nam. Cùng với quá trình chuyển đổi số thời gian qua, thị trường dịch vụ trung tâm dữ liệu phát triển mạnh mẽ trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Các trung tâm dữ liệu chứa đựng khối lượng lớn các dữ liệu quan trọng và thiết yếu trong nền kinh tế số, phục vụ phát triển Chính phủ số.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu. Qua gần 10 năm triển khai Thông tư 03/2013/TT-BTTTT, một số trung tâm dữ liệu đã tuân thủ và công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường dịch vụ trung tâm dữ liệu thì vấn đề chất lượng của hạ tầng trung tâm dữ liệu cần được quan tâm và tăng cường công tác quản lý. Bên cạnh đó hầu hết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho trung tâm dữ liệu hiện đã được ban hành, cập nhật theo phiên bản mới.
Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT để hoàn thiện các quy định về yêu cầu đối với hạ tầng kỹ thuật của trung tâm dữ liệu là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, thúc đẩy phát triển thị trường trung tâm dữ liệu bền vững hướng tới một hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đại và bền vững, đưa Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu số của khu vực.
Kế thừa các nội dung còn phù hợp của Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (hạ tầng viễn thông, tiếp đất, chống sét, an toàn cháy nổ…) trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành, khai thác các trung tâm dữ liệu, bám sát căn cứ pháp lý gồm Luật Viễn thông (2009), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (2006), Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007), Thông tư 23/2022/TT-BTTTT có một số điểm mới như sau:
- Cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật cập nhật về tiếp đất, chống sét, phòng chống cháy (QCVN 9:2016/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp đất cho các trạm viễn thông và QCVN 32:2020/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông; QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình).
Quy định áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, phổ biến nhất trên thế giới về yêu cầu hạ tầng kỹ thuật của trung tâm dữ liệu (TCVN 9250:2021, TIA-942-B của ANSI/TIA và tiêu chuẩn Tier của Uptime Institute) và các doanh nghiệp công bố sự phù hợp theo các cấp độ xếp hạng phù hợp. Việc mở rộng các tiêu chuẩn áp dụng cho phép doanh nghiệp chủ động lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng hạ tầng trung tâm dữ liệu và là cơ sở để doanh nghiệp duy trì chất lượng dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Minh bạch hóa: các trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp đều được đánh giá, công bố phù hợp tiêu chuẩn, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng (khách hàng có thể lựa chọn trung tâm dữ liệu với cấp độ phù hợp nhu cầu của mình).
Thông qua việc công bố chất lượng với các mức xếp hạng khác nhau cũng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm dữ liệu thông qua chất lượng.
- Quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động đánh giá, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với các trung tâm dữ liệu xếp hạng cao (mức 3 và 4): Các trung tâm dữ liệu này phải được đánh giá, chứng nhận bởi tổ chức đánh giá, chứng nhận trong nước hoặc nước ngoài có uy tín được chỉ định, thừa nhận.
- Quy định trách nhiệm rõ hơn đối với các cơ quan quản lý (Cục Viễn thông, Vụ Khoa học và Công nghệ) nhằm tăng cường công tác kiểm tra doanh nghiệp trung tâm dữ liệu.
- Đối với thủ tục công bố sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Thông tư 23/2022/TT-BTTTT không sửa đổi thủ tục hành chính công bố sự phù hợp của trung tâm dữ liệu tại Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT và không tăng thêm thành phần hồ sơ.
Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2023. Thông tư cũng cụ thể hóa các bước thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể (Trung tâm dữ liệu đã được phê duyệt thiết kế trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành; Trung tâm dữ liệu đã được xây dựng, vận hành trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành đồng thời khuyến khích doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định tại Thông tư này trong quá trình sửa đổi, cải tạo, nâng cấp trung tâm dữ liệu nêu trên).
Việc ra đời Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT với các quy định sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu sẽ giúp cho hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số tại Việt Nam.
Định hướng trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến sử dụng hiệu quả năng lượng đối với trung tâm dữ liệu nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đã đặt ra./.
Theo mic.gov.vn