Các dự án cần đầu tư

Ðắk Nông tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược
Publish date 05/09/2022 | 14:12  | View count: 1651

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ 3 đột phá chiến lược bao gồm: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực. Triển khai nhiệm vụ chính trị này, đến nay, việc thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

 

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Thời gian qua, Đắk Nông đã có nhiều hành động mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng và kiến tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp để họ an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Điểm nổi bật là UBND tỉnh đã chủ động kết nối, mời gọi, gặp gỡ, làm việc với nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát, tìm hiểu để đầu tư vào Đắk Nông. Qua các buổi làm việc trực tiếp với người đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã đưa ra thông điệp, các cam kết rất rõ ràng và hướng chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, Đắk Nông luôn coi trọng, sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành với doanh nghiệp để cùng xây dựng, phát triển địa phương. Trọng tâm hơn là Đắk Nông quyết liệt trong chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên phối hợp, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và quy trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị trong hỗ trợ nhà đầu tư theo tiến độ dự án.

Về phía các nhà đầu tư đã đề xuất, cam kết sớm triển khai nhiều dự án có quy mô và vốn đăng ký đầu tư rất lớn trên địa bàn tỉnh như Dự án tổ hợp bô xít-alumin-nhôm do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đề xuất khảo sát với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,3 tỷ USD; Dự án tổ hợp bô xít-alumin-nhôm do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương đề xuất khảo sát với tổng mức đầu tư 2,94 tỷ USD; Dự án đầu tư tổ hợp chế biến sâu quặng bô xít do Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang đề xuất khảo sát với tổng số vốn đầu tư 36.000 tỷ đồng; Dự án khu nhà ở nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Daksun Hill do Công ty Cổ phần Daksun Hill đề xuất với tổng vốn đầu tư là 2.323 tỷ đồng…

Ðể sớm khắc phục "điểm nghẽn" trong cải cách thủ tục hành chính, Ðắk Nông hiện nay đã quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình, thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Trong đó, UBND tỉnh Ðắk Nông đã ban hành quy định về hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, Tổ xây dựng chính sách hiện nay đang hoàn thiện, dự kiến trình HÐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2022 nhằm tạo hành lang pháp lý và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Ðắk Nông.

Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số có vài trò rất quan trọng trong thực hiện chính quyền số (Ảnh: UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Trường Đại học RMIT (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh)

Những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính đã đưa lại những kết quả tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Đắk Nông tăng 8 bậc về thứ hạng, từ vị trí 60 ở năm 2020 lên vị trí 52/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm 61,95 điểm. Kết quả này, Đắk Nông từ nhóm thấp lên nhóm trung bình (vượt 7 bậc so với chỉ tiêu Đắk Nông đề ra), điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Đây là nỗ lực lớn trong lãnh đạo, điều hành, triển khai các giải pháp cải cách mạnh mẽ của Đắk Nông trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Đây cũng là chỉ số mà Đắk Nông đạt tốt nhất trong 5 năm qua. Thứ hạng PCI mà Đắk Nông đạt được trong 5 năm gần đây (từ 2017 đến 2021) lần lượt là: 63-63-62-60-52.

Năm 2022, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh vào nhóm trung bình khá của cả nước, phấn đấu tăng 2 bậc trở lên so với năm 2021, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Thúc đẩy hạ tầng giao thông

Thực hiện chiến lược đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, Đắk Nông đã xác định rõ là ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị.

Đối với giao thông trọng điểm nội tỉnh trong 2 năm qua, Đắk Nông triển khai đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Tuyến tỉnh lộ 1 dài 36 km nối từ Đắk R'lấp về Tuy Đức đã được nâng cấp, mở rộng. Toàn bộ tuyến có mặt đường được láng nhựa, lề đường được gia cố và hệ thống mương thoát nước đầu tư bài bản. Tỉnh lộ 1 được nâng cấp, mở rộng trở thành động lực rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Khi đi lại thuận lợi, Tuy Đức có thêm điểm tựa để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về tìm hiểu, đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Không riêng gì tuyến đường trên, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều tuyến tỉnh lộ, nội thị, đường liên xã… đã được nâng cấp, mở rộng. Hơn 20 km tuyến đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuyến đường này cùng với nhiều tuyến khác được đầu tư mới hoặc nâng cấp, mở rộng đã tạo động lực quan trọng đối với khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuyến quốc lộ 28 hiện nay đã và đang được sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Năm 2022, quốc lộ 28 sẽ được đầu tư gần 68 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp khoảng 31 km.

Hạ tầng giao thông của Đắk Nông được chú trọng đầu tư, phát triển. (Ảnh: Tuyến quốc lộ 28 đoạn qua thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô vừa được thảm nhựa mới)

Đối với Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong thời gian qua, Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Phước triển khai nhanh chóng nhiều phần việc liên quan. Dự án này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện; phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2025. Vừa qua, đơn vị tư vấn thiết kế là Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Báo cáo cuối kỳ). Với tiến độ này, dự án sẽ sớm khởi công trong thời gian tới.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương. Thực hiện mục tiêu này, toàn tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng kiến thức kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm đối với công chức, viên chức; giải quyết việc làm cho lao động; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo và nâng cao năng suất lao động của tỉnh.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức, quản lý Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, phát triển, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động nguồn lực đào tạo, đẩy mạnh kết hợp chặt chẽ hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu nguồn nhân lực. Thực hiện theo quy định của Trung ương, Đắk Nông đã và đang tiến hành quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, bảo đảm đồng bộ với các chủ trương, quy định của Đảng về bố trí cán bộ.

Hiện nay, Đắk Nông đang đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ cho phát triển kinh tế, quản lý xã hội. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Trường Đại học RMIT (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho lãnh đạo các huyện, thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp, người dân và gần 600 đại biểu tham dự bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này giúp cho chính quyền các cấp nâng cao công tác chuyển đổi số cho chính quyền, doanh nghiệp, năng lực số cho công dân.

Những kết quả đạt được triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII trong hơn 2 năm qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác này sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh để cùng với nhiều giải pháp khác hướng tới đạt được mục tiêu chung là đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

Theo báo Đắk Nông điện tử