Các dự án cần đầu tư

Sinh hoạt chuyên đề: Xây dựng và phát triển khu công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025
Publish date 04/06/2021 | 09:36  | View count: 49969

I- MỤC ĐÍCH
Giúp đảng viên, công chức trong cơ quan đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển khu công nghiệp; tiếp cận, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và cơ hội, tiềm năng phát triển khu công nghiệp, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao để góp phần thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 
II- NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ
1- Đánh giá chung về công tác xây dựng, phát triển khu công nghiệp.
Sau gần 30 năm kể từ khi khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế. 
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện, gồm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế và vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 27,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2019. Trong giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng. Tại một số địa phương, tỷ lệ thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước của địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng...; tạo việc làm hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước.
Đối với tỉnh Đắk Nông, công tác xây dựng, phát triển khu công nghiệp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 5/2021, tỉnh Đắk Nông đã thành lập 2 khu công nghiệp là Tâm Thắng và Nhân Cơ với diện tích là 327,19 ha; bổ sung quy hoạch khu công nghiệp Nhân Cơ 2 với diện tích 400 ha. Như vậy, tính cả các khu công nghiệp đã thành lập và quy hoạch thì diện tích khu công nghiệp của tỉnh là 727,19 ha. Về thu hút đầu tư, lũy kế đến tháng 05/2021, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 44 dự án đầu tư (03 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 18.170,7 tỷ đồng, vốn thực hiện 4.561,7 tỷ đồng; trong đó, 33 dự án đã đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai thực hiện. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp Tâm Thắng: 96,1%; Nhân Cơ: 86,5%. Việc phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp khu công nghiệp, như: nhà ở, ăn uống, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng (doanh thu bình quân hàng năm của các doanh nghiệp khu công nghiệp trên 3.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động trực tiếp). Ngoài phát triển các khu công nghiệp, tỉnh Đắk Nông đang chuẩn bị các bước nghiên cứu, đề xuất tích hợp quy hoạch khu kinh tế cửu khẩu Đắk Peur tại huyện Đắk Mil vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như  vậy, tỉnh Đắk Nông sẽ có 3 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
2- Về định hướng xây dựng, phát triển khu công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 
Về định hướng phát triển khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu "Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp... trở thành động lực phát triển vùng. Nghiên cứu phát triển mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp mới, trong đó áp dụng cơ chế quản lý nhà nước và phương thức phát triển thuận lợi, có hiệu quả cao hơn về kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế", "Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao và theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm", "Thúc đẩy các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; đồng thời, xử lý quyết liệt các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả". Đối với định hướng phát triển công nghiệp vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh "... Phát triển bền vững ngành công nghiệp alumin và nhôm, bảo đảm tuyệt đối an toàn về môi trường...".
Mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 như sau: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công nghiệp alumin, luyện nhôm, chế tạo cơ khí, thiết bị (sản phẩm sau nhôm) và hóa chất phụ trợ vào khu công nghiệp Nhân Cơ, Nhân Cơ 2. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, cần phải triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: 
Một là, tập trung huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bô xít, các sản phẩm sau nhôm để đảm bảo nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nhân Cơ để bàn giao toàn bộ hạ tầng cho Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân để triển khai Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc về chính sách và đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, phấn đấu đưa Nhà máy đi vào hoạt động. 
Ba là, triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến hành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khu công nghiệp Nhân Cơ 2 theo quy định của pháp luật. Từ năm 2021, tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nhân Cơ 2.
Bốn là, tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện 02 chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, gồm: Chương trình phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo và Chương trình cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các tập đoàn, công ty lớn đầu tư vào tỉnh để phát triển nhanh, bền vững.