Biểu mẫu, báo cáo
Chinh phục thị trường nước ngoài là sứ mệnh giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đất nước phát triển, có thứ hạng trên bản đồ công nghệ thế giới chính là làm rạng danh non sông. Đây là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số nói riêng. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” tổ chức ngày 23/2/2023.
Toàn cảnh Hội nghị "Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới"
Hội nghị "Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới" có chủ đề "Doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu - Đối tác tin cậy để xây dựng Thế giới số" do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Phạm Đức Long và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ, hiệp hội chuyên ngành trong nước, đại diện các Đại sứ quán, tổ chức tư vấn quốc tế, các cơ quan xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam.
Tại sao doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi ra nước ngoài?
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất, từ đó chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Có năng lực cạnh tranh quốc tế chúng ta mới tồn tại được lâu dài ở thị trường trong nước. Theo Bộ trưởng, "Đi ra nước ngoài là mang tri thức và công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi, để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Đi ra nước ngoài cũng là mở rộng không gian, mở rộng thách thức, mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những cái này là để Việt Nam giỏi lên. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Người đứng đầu ngành TT&TT đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đi ra nước ngoài và tại sao là lúc này? Năm 2022 là năm các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD, của FPT về CNTT và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD. Nhiều công ty Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như NTQ Solution, Smart OCS, Rikkeisoft, Omi, VMO. Có những doanh nghiệp ngay từ ngày đầu thành lập đã đặt mục tiêu phát triển công nghệ mới ngang hàng với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, như Kardiachain. "Chính những doanh nghiệp này, doanh nhân này đã truyền cảm hứng và niềm tin cho chúng ta là chúng ta có thể làm được, có thể chinh phục thị trường nước ngoài. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ "hóa rồng" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Con đường Việt Nam" để chinh phục thị trường nước ngoài
Tư lệnh ngành TT&TT nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với sự phát triển mạnh của nhiều công nghệ mới chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên bản đồ thế giới.
Các công ty công nghệ lớn, có tên tuổi trên thế giới đang tập trung phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, các nhu cầu phổ quát, họ tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng. Vậy con đường nào cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới? ChatGPT trả lời tất cả các thể loại câu hỏi của mọi người, vì thế mới đạt mức trung bình khá. Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn khi mà dữ liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hoá và phù hợp với trình độ hiện tại của chúng ta. Thị trường ở đây vô cùng phong phú và không hề nhỏ.
Bên cạnh cách tiếp cận cá thể hoá, có thể thời đại hoá thông qua sử dụng công nghệ mới nhất để giải những bài toán cũ. Có thể đại chúng hoá bằng cách đưa các sản phẩm công nghệ số hiện đại tới được mọi người dân.
Một thế mạnh rất quan trọng khác của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đa số các công ty này đều do những người Founder (người thành lập) đang điều hành, tức là đang ở thế hệ F0, trong khi các đối thủ cạnh tranh quốc tế thì chủ yếu F1, F2, F3, F4. Sức mạnh của F0 là sức mạnh rất đặc biệt, rất lớn và có một không hai.
Bộ TT&TT là chỗ dựa, là cầu nối, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Bộ trưởng khẳng định, chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Hội nghị hôm nay là khởi đầu cho chiến dịch của Bộ TT&TT hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Nhà nước mở đường rồi người đi trước kéo người đi sau. Bộ TT&TT sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số ở nước ngoài, tham mưu cho Chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đi ra nước ngoài, sẽ là chỗ dựa, là cấu nối sát cánh cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp đặt chân đến.
"Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia. Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số", Bộ trưởng kỳ vọng.
Chia sẻ kinh nghiệm đi ra thế giới của "sếu đầu đàn"
Chia sẻ về dấu ấn Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.
Thời kỳ đầu đi ra nước ngoài với muôn vàn khó khăn, FPT đã rút ra bài học: Phải làm những việc mới thì mới có khả năng cạnh tranh, nếu chỉ tập trung làm việc cũ thì không có cơ hội. Cách đây 10 năm, khi thời cơ đến, FPT đã không ngần ngại chuyển sang những công nghệ mới nhất, như Cloud, big data, AI… Gần đây nhất, FPT đã tiến vào lĩnh vực ô tô. Đây là một thế giới IT mới, mở ra cơ hội không giới hạn với sự lên ngôi của ô tô điện, xe tự lái.
Theo ông Trương Gia Bình, muốn đi ra nước ngoài, người đứng đầu doanh nghiệp phải đi trước, mở cửa thị trường. Các thị trường không nói tiếng Anh sẽ là những nơi ít cạnh tranh hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số mới, tránh đụng độ với các doanh nghiệp công nghệ số lớn của các cường quốc công nghệ.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong hành trình đi ra quốc tế của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: Bắt đầu đi ra nước ngoài từ năm 2006 đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel hiện nay hầu như đều trải qua thời gian làm việc tại thị trường nước ngoài. Đây là môi trường đào tạo thực tiễn rất quan trọng cả về chuyên môn, trui rèn bản lĩnh, xây dựng các mối quan hệ. Học hỏi từ các đối thủ cạnh tranh, từ đó trưởng thành, quay về thị trường trong nước trở thành những lãnh đạo hàng đầu của Tập đoàn, đồng thời cũng là những người thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Tập đoàn.
Cũng tại sự kiện, đại diện của các cơ quan xúc tiến thương mại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ đã trình bày các tham luận về tình hình phát triển và nhu cầu thị trường sản phẩm dịch vụ số; chính sách thu hút đầu tư của chính phủ các nước; các cơ hội hợp tác đối với doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ TT&TT đã chính thức thành lập và ra mắt "Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài" nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài./.
Theo mic.gov.vn